Phòng Công nghệ Hóa tổ chức báo cáo khoa học định kỳ
Sáng ngày 29/12/2022, Phòng Công nghệ Hóa – Viện Công nghệ HaUI tổ chức seminar báo cáo khoa học định kỳ tháng 12 với chủ đề xoay quanh tổng hợp vật liệu mới, công nghệ sản xuất sinh khối vi tảo và lựa chọn nguyên liệu trong thực phẩm cung cấp glucose cho người ăn kiêng. Buổi báo cáo có lãnh đạo Viện, các đồng chí trưởng phòng Lab SHPC, Công nghệ Hóa và các giảng viên báo cáo tham dự.
Các buổi Seminar, trao đổi khoa học định kỳ hàng tháng do các phòng chức năng thuộc Viện Công nghệ HaUI tổ chức nhằm gợi mở những hướng nghiên cứu mới, tìm kiếm cơ hội hợp tác, hỗ trợ giữa các phòng và cá nhân với nhau để thực hiện tốt các nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ. Bởi vậy, những buổi trao đổi thảo luận này luôn được các giảng viên, nhà khoa học thuộc Viện quan tâm tham dự.
Hình 1: PGS. TS Nguyễn Quang Tùng trình bày báo cáo với chủ đề “Tổng hợp, đặc trưng cấu trúc, tính chất và ứng dụng của vật liệu Hidrotanxite”.
Mở đầu, PGS. TS. Nguyễn Quang Tùng, Phó Viện trưởng đã trình bày báo cáo với chủ đề “Tổng hợp, đặc trưng cấu trúc, tính chất và ứng dụng của vật liệu Hidrotanxite”. Tại phần trình bày của mình, PGS.TS. Nguyễn Quang Tùng đã đưa ra công thức hóa học, phương pháp tổng hợp và đặc trưng của vật liệu Hidrotanxite, trong đó nhấn mạnh phương pháp đồng kết tủa kết hợp với thủy nhiệt được sử dụng chính trong nghiên cứu này. Qua đó đưa ra các ứng dụng phổ biến khi sử dụng vật liệu Hidrotanxite, có thể kể đến: Ứng dụng cho thuốc chống đau dạ dày, ổn định độ bền nhiệt cho vật liệu PVC, hấp thụ các chất màu trong xử lý nước thải, ứng dụng trong phân đạm nhả chậm, làm chất chậm cháy,…Trong đó PGS.TS. Nguyễn Quang Tùng tập trung nhấn mạnh ứng dụng làm chất xúc tác cho nhiều phản ứng oxi hóa khử và xử lý các chất hữu cơ kháng sinh có trong nước, đây đang là các ứng dụng được sử dụng phổ biến nhất và đem lại hiệu quả cao hiện nay.
Hình 2: TS. Đỗ Thị Cẩm Vân trình bày báo cáo với chủ đề “Nghiên cứu công nghệ sản xuất sinh khối vi tảo Chlorella sp”
Phần trao đổi, thảo luận thứ hai do TS. Đỗ Thị Cẩm Vân trình bày với chủ đề “Nghiên cứu công nghệ lên men dị dưỡng vi tảo Chlorella sp để sản xuất sinh khối làm nguyên liệu ứng dụng trong lĩnh vực thực phẩm và dược phẩm”. Với mục tiêu: Sản xuất được sinh khối vi tảo Chlorella sp làm nguyên liệu ứng dụng trong lĩnh vực thực phẩm và dược phẩm; Định hướng ứng dụng làm nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm giàu protein cho con người, các hoạt chất sinh học có giá trị (lutein, Chlorophyll, chất kích thích tăng trưởng thực vật CGF, axit béo…) để sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng hỗ trợ bảo vệ sức khỏe, bổ sung vào thức ăn chăn nuôi cho nhiều đối tượng vật nuôi nhằm tăng cao năng suất, chất lượng thịt, trứng, hoặc sức đề kháng cho con giống.
Hình 3: TS. Vũ Thị Cương trình bày báo cáo với chủ đề “Nguyên cứu lựa chọn nguyên liệu trong thực phẩm cung cấp glucose cho người ăn kiêng, béo phì và tiểu đường”
Trong công nghệ chế biến thực phẩm, nghiên cứu cơ chế chuyển hóa glucose và các yếu tố điều khiển gen liên quan đến quá trình chuyển hóa để có phương pháp tác động làm giảm bớt nguy cơ béo phì, tiểu đường là điểm nóng đang được thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi vậy, trong buổi báo cáo Seminar này TS. Vũ Thị Cương đã có phần trao đổi, thảo luận với chủ đề “Nguyên cứu lựa chọn nguyên liệu trong thực phẩm cung cấp glucose cho người ăn kiêng, béo phì và tiểu đường”. Với mục tiêu: Nghiên cứu ảnh hưởng của hàm lượng tinh bột vào cơ thể ảnh hướng đến quá trình lão hóa và tuổi thọ của sinh vật; Nghiên cứu cơ chế hoạt động của các yếu tố điều khiển liên quan đến quá trình chuyển hóa đường dẫn đến bệnh béo phì và tiểu đường. Kết quả thu được của thực nghiệm cho thấy tăng 0.1-2% lượng đường trong khẩu phần thức ăn thường ngày làm giảm tuổi thọ của sinh vật thực nghiệm (C.Elegans). Quá trình chuyển hóa đường liên quan đến gen DAF-16, DAF-2 và hóc môn Insulin/IGF-1. Gen DAF-16, DAF-2 và hóc môn Insulin/IGF-1 có liên quan đến cơ chế béo phì và tiểu đường ở sinh vật. Kết luận lại ngoài sự ảnh hưởng của nguồn gốc thực phẩm, hàm lượng thực phẩm thì còn có sự ảnh hưởng của yếu tố gen đối với quá trình chuyển hóa glucose.
Cả 3 báo cáo của các giảng viên thuộc phòng Công nghệ Hóa đều có tính thời sự và cấp thiết trong thời điểm hiện nay. Mỗi nội dung nghiên cứu đều có tính mới, giải quyết trực tiếp những vấn đề còn bất cập trong cuộc sống. Nhóm các nhà khoa học thuộc Viện mong muốn thông qua buổi seminar báo cáo khoa học định kỳ này sẽ tìm kiếm được những cơ hội hợp tác và phát triển các đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ, nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu của Viện cũng như nhà trường.
Thứ Sáu, 16:04 30/12/2022
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.