Nghiệm thu cấp Bộ Công Thương đề tài thuộc chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030
Sáng ngày 21/12/2022, Bộ Công Thương tổ chức nghiệm thu đề tài “Xây dựng mô hình thí điểm về sản xuất đế trong của giầy từ chất thải rắn ngành thuộc da (mùn bào crom, da vụn) và phế phụ phẩm công - nông nghiệp giàu cellulose” thuộc chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 do Viện nghiên cứu Da – Giầy đăng ký chủ trì. TS. Vũ Đình Giáp, Viện Công nghệ HaUI là chủ nhiệm đề tài nhánh theo hợp đồng số 10/HĐ-VDG ngày 18 tháng 3 năm 2022 giữa trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và Viện Nghiên cứu Da - Giầy.
Hình 1: Nhóm nghiên cứu đề tài báo cáo các kết quả thực hiện được trước hội đồng nghiệm thu cấp Bộ Công Thương
Với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển nguyên vật liệu tái chế ngành da giầy. Và hoàn thiện quy trình sản xuất đế trong của giầy theo hướng bền vững. Đề tài “Xây dựng mô hình thí điểm về sản xuất đế trong của giầy từ chất thải rắn ngành thuộc da (mùn bào crom, da vụn) và phế phụ phẩm công - nông nghiệp giàu cellulose” được triển khai thực hiện từ 01/2022 đến 12/2022 nhằm khai thác hợp lý nguồn nguyên liệu phế thải của ngành nông nghiệp và ngành thuộc da.
Hình 2: Sản phẩm đế giầy được làm từ chất thải rắn ngành thuộc da (mùn bào crom, da vụn) và phế phụ phẩm công - nông nghiệp giàu cellulose
Sau 01 năm nghiên cứu và thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã thực hiện được các kết quả sau đây:
+ Xây dựng và hoàn thiện quy trìnhxử lý mùn bào crom và da vụn tạo phôi nguyên liệu sản xuất đế trong giầy.
+ Xây dựng và hoàn thiện quy trìnhxử lý phế phụ phẩm công-nông nghiệp giàu cellulose tạo phôi nguyên liệu sản xuất đế trong giầy.
+ Xây dựng và hoàn thiện quy trình phối trộn nguyên liệu với chất kết dính và các chất phụ gia tạo phôi nguyên liệu sản xuất đế trong giầy.
+ Xây dựng và hoàn thiện quy trình sản xuất đế trong của giầy từ chất thải rắn ngành da giầy (mùn bào da thuộc và da vụn) kết hợp với phế phụ phẩm công-nông nghiệp giàu cellulose (vỏ trấu) và các chất phụ gia. Cao su SVR 3L được sử dụng làm chất kết dính để phối trộn với mùn bào da thuộc với tỷ lệ 30% và hạt trấu nghiền mịn 5% và các chất phụ gia khác, sản phẩm tạo thành trên hệ thống máy ép gia nhiệt (1400C) với thời gian lưu hóa là 5 phút. Kết quả thử nghiệm cho thấy, mẫu đế thử nghiệm được sản xuất có độ dày khoảng 0,8 mm, độ bền xé rách hai cạnh đạt 46,18 N/mm, độ hấp thụ và giải hấp hơi nước tương ứng đạt 11,63 & 11,84, khối lượng riêng 1,12 g/cm3, độ cứng 18 Shore A, lượng mài mòn 0,8 cm2/1,61km. Ngoài ra, độ bền uốn, độ uốn gấp sau 15.000 chù kỳ và độ mài mòn (khô) sau 5.000 chu kỳ đều đáp ứng được các yêu cầu về mặt cảm quan và các chỉ tiêu cơ lý đặc trưng.
Hình 3: Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp cơ sở Viện nghiên cứu Da – Giầy
Các kết quả đạt được từ đề tài đã góp phần giúp khâu tái chế các chất thải rắn của ngành da giầy (da mụn, mùn bào) kết hợp với sợi thực vật hữu cơ (cellulose) từ các phụ phẩm nông nghiệp để làm nguyên liệu sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường tăng lên, một mặt cung cấp nguồn sản phẩm có giá trị cao, mặt khác giúp giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các nước đang phát triển như Việt Nam.
Sản phẩm đế giầy được sản xuất từ các nguồn tài nguyên tự nhiên chiết xuất từ thực vật sẽ có nhiều ưu việt hơn so với các sản phẩm truyền thống. Sợi thực vật so với sợi tổng hợp vừa thoáng khí hơn, dễ dàng phân hủy sinh học, lại có tác dụng ngăn ngừa nấm mốc, vi khuẩn. Việc nghiên cứu các sản phẩm đế giầy từ sự kết hợp giữa mùn bào crom và cellulose thực vật là lĩnh vực rất mới mẻ và khả năng ứng dụng thực tiễn tốt để làm nguyên vật liệu chế tạo các thành phần đế trong, đế giữa và đế ngoài của giầy. Từ đó gợi mở các ý tưởng nghiên cứu tới đây để tận dụng nguồn nguyên liệu tái tạo phong phú này.
Thứ Ba, 10:44 27/12/2022
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.