Tập huấn kỹ thuật “Giới thiệu quy trình công nghệ bảo quản cam Cao Phong bằng màng sinh học saponin kết hợp với chitosan và axit axetic” tại thị trấn Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.
Ngày 29/11/2019, tại Nhà Văn hóa khu 2, thị trấn Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tổ chức buổi Tập huấn kỹ thuật “Giới thiệu quy trình công nghệ bảo quản cam Cao Phong bằng màng sinh học saponin kết hợp với chitosan và axit axetic”
Đến dự buổi tập huấn kỹ thuật có đồng chí Đỗ Thị Minh Huyền – Phòng Quản lý Khoa học – Sở KHCN tỉnh Hòa Bình, ông Phạm Minh Thái – Chủ tịch Hội Trồng cam Thị trấn Cao Phong cùng đông đảo các hộ nông dân trồng cam trong huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.
Về phía Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có PGS.TS. Nguyễn Văn Lợi, chủ nhiệm đề tài và ThS. Nguyễn Minh Thắng, thành viên tham gia thực hiện đề tài.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, PGS.TS. Nguyễn Văn Lợi, trình bày báo cáo: “Kỹ thuật bảo quản quả Cam Cao Phong bằng màng sinh học” và tiến hành thực nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật pha chế phẩm sinh học tạo màng bảo quản từ saponin kết hợp với chitosan và axit axetic.
PGS.TS. Nguyễn Văn Lợi - Chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo tại buổi tập huấn
Đại diện Sở KHCN tỉnh Hòa Bình và Hội Trồng cam Thị Trấn Cao Phong đánh giá cao những kết quả đạt được của nhóm nghiên cứu, với quy trình công nghệ đơn giản, dễ áp dụng trên nhiều quy mô, hơn nữa việc ứng dụng màng sinh học với các nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên là một hướng đi mới, đảm bảo VSATTP. Quả cam Cao Phong mặc dù đã bảo quản được hơn 50 ngày, nhưng vẫn giữ được màu sắc, độ ngọt và các đặc tính đặc trưng của sản phẩm. Kết quả đó cho thấy, những nghiên cứu của đề tài mang tính ứng dụng thực tiễn cao, tuy nhiên nhóm nghiên cứu của Đề tài cần sớm hoàn thiện quy trình để chuyển giao công nghệ cho các hộ nông dân trồng cam và ứng dụng trang thiết bị tự động hóa để nâng cao quy mô trong việc bảo quản.
Cuối buổi tập huấn, PGS.TS. Nguyễn Văn Lợi trả lời các câu hỏi của các hộ dân trồng cam và cảm ơn những ý kiến đóng góp của các khách mời tham gia buổi tập huấn. Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục nghiên cứu ứng dụng trang thiết bị tự động hóa để nâng cao quy mô trong việc bảo quản, chuyển giao công nghệ cho các hộ dân trồng cam, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa, phát triển kinh tế của địa phương.
Thứ Hai, 11:27 02/12/2019
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.