Khảo sát một số doanh nghiệp phía Nam trong khuôn khổ triển khai đề án Thuộc chương trình phát triển Công nghiệp Hỗ trợ năm 2020
Trong khuôn khổ thực hiện đề án cấp Nhà nước: “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị phủ màng sử dụng kỹ thuật PVD, ứng dụng cho các sản phẩm trong ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng và tuổi thọ” thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2020, đoàn công tác trường ĐHCN HN do PGS.TS. Phạm Đức Cường làm trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát và làm việc tại một số doanh nghiệp phía Nam phục vụ cho triển khai các nội dung của đề án.
Hiện nay, công nghệ phủ tạo các loại lớp phủ cứng trong chân không đang được sự quan tấm phát triển tại Việt Nam, đặc biệt trong ngành công nghiệp phụ trợ và các sản phẩm phục vụ đời sống. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn rất hạn chế, do yêu cầu nhân lực chất lượng cao và thiết bị đặc thù. Thêm vào đó chưa cạnh tranh được với các sản phẩm nhập ngoại, cả về chất lượng lẫn giá thành. Mục đích của khảo sát là tìm hiểu về năng lực chế tạo thiết bị/cụm chi tiết thuộc thiết bị phủ PVD, các sản phẩm ứng dụng phủ PVD của một số doanh nghiệp. Từ đó đánh giá tổng quan về công nghệ phủ PVD hiện tại của một số doanh nghiệp phía Nam trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ phủ: Trang trí, dụng cụ cắt, khuôn mẫu và xây dựng ý tưởng cho thiết kế thiết bị phủ PVD trong đề án; tìm đối tác trong việc gia công chế tạo một số cụm chi tiết khó, yêu cầu kỹ thuật cao trong thiết bị phủ như gia công các lỗ sâu cho vật liệu thép hợp kim, chế tạo buồng chân không kích thước lớn.
Trong gia công cơ khí, đoàn đến làm việc tại Công ty TNHH Cơ điện tử Hiệp Phát, một công ty chuyên cung cấp các giải pháp về thiết kế,tích hợp hệ thống và gia công cơ khí. Đặc biệt, công ty có thiết bị và công nghệ cho phép khoan các lỗ sâu (trên 1000mm) trên các loại vật liệu khó như thép SKD, Inox. Đây là một doanh nghiệp KHCN có mối liên hệ chặt chẽ với các giảng viên Trường HUTECH (Tp.HCM) trong triển khai các nhiệm vụ KHCN, phát triển, ứng dụng và chuyển giao các kết quả KHCN. Đoàn đã làm việc với ông Lê Kim Tiền, phụ trách công ty. Hai bên trao đổi về việc có thể hợp tác và gia công một phần hệ thống làm mát trong thiết bị phủ PVD HCM-700 do Trường chế tạo và tích hợp. Đoàn đã đi thăm các thiết bị phục vụ gia công chuyên dụng, thảo luận về giải pháp và khả năng công nghệ nhằm phục vụ trực tiếp cho đề án.
Giám đốc công ty TNHH Cơ điện tử Hiệp Phát giới thiệu về quy trình gia công trên thiết bị CNC tại công ty
Trong lĩnh vực phủ PVD, công ty TNHH Phức hợp Công nghệ cao SONXI, một doanh nghiệp đi đầu trong triển khai và ứng dụng tại các tỉnh phía Nam. Ông Lê Văn Sơn, giám đốc công ty đã chia sẻ với đoàn công tác những khó khăn cũng như thách thức của doanh nghiệp khi tiếp cận với lĩnh vực phủ PVD là lĩnh vực tương đối mới ở Việt Nam. Ông cũng đưa ra các công nghệ mà công ty đang triển khai thực hiện được: phủ trang trí là sản phẩm chính truyền thống của công ty, nghiên cứu phủ thử trên một số loại dụng cụ cắt, khuôn đơn giản … Tuy nhiên về chất lượng các lớp phủ hiện nay chưa được kiểm định cũng như đánh giá và đảm bảo đồng đều, chưa có các phân tích đánh giá cụ thể các thông số của lớp phủ. Doanh nghiệp mới đưa vào sản xuất và đánh giá độ bền của lớp phủ qua thực tế làm việc, giới hạn ở một số sản phẩm đơn giản, yêu cầu kỹ thuật chưa cao. Trong quá trình thảo luận, doanh nghiệp cũng rất mong muốn được hợp tác với Viện để nghiên cứu, triển khai một số nội dung công việc trong đề án nhằm nâng cao chất lượng của lớp phủ.
Ông Lê Văn Sơn giới thiệu về quy trình chế tạo buồng chân không tại công ty
Phủ PVD là lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là một trong số ít các đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này và hiện đang chủ trì triển khai đề án về thiết bị và công nghệ phủ PVD ứng dụng cho một số sản phẩm cơ khí thuộc ngành Công nghiệp hỗ trợ 2020.
Thứ Tư, 08:40 15/07/2020
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.