Hội thảo khoa học “ Nghiên cứu quy trình bảo quản các loại quả: Xoài, nhãn, mận bằng màng sinh học saponin kết hợp với chitsosan và axit axetic tại tỉnh Sơn La”
Ngày 06/12/2019, tại xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu quy trình bảo quản các loại quả: Xoài, nhãn, mận bằng màng sinh học saponin kết hợp với chitsosan và axit axetic tại tỉnh Sơn La”. Đây là một trong những nội dung thực hiện của đề tài nghiên cứu khoa học do PGS.TS. Nguyễn Văn Lợi chủ nhiệm.
Tham dự buổi Hội thảo có đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND huyện Yên Châu, các hộ gia đình trên địa bàn xã Sặp Vạt.
PGS.TS. Nguyễn Văn Lợi - Chủ nhiệm đề tài, trình bày tại Hội thảo
Tại Hội thảo nhóm thực hiện đề tài đã trình bày các nội dung như: Biến đổi của quả xoài, nhãn, mận sau thu hoạch; Giới thiệu về màng bảo quản; Xác định thời điểm thu hoạch quả thích hợp cho quá trình bảo quản. Qua khảo sát và nghiên cứu cho thấy: Quả xoài, nhãn, mận sau thu hoạch vẫn có sự biến đổi về sinh hóa, sinh lý. Khác với những quả còn trên cây, quá trình sinh lý, sinh hóa xảy ra đối với quả trong thời gian bảo quản chủ yếu là phân giải hợp chất hữu cơ để cung cấp năng lượng duy trì sự sống của tế bào. Bên cạnh đó còn có sự thoát hơi nước trong quá trình bảo quản làm cho quả bị khô héo, hoạt động của vi sinh vật nhiễm trên quả trước, trong và sau thu hoạch cũng là những yếu tố làm hỏng cấu trúc cũng như gây hỏng quả. Việc sử dụng các chế phẩm sinh học có nguồn gốc tự nhiên (Saponin được tách chiết từ thực vật; Chitosan được sản xuất từ vỏ tôm, cua, ghẹ; axit axetic sản xuất bằng con đường lên men ở các nhà máy sản xuất dấm ăn) để tạo màng bảo quản nông sản thực phẩm là một hướng đi mới trên thế giới và trong nước, góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, tiết kiệm được chi phí trong quá trình bảo quản.
Công nghệ bảo quản bằng màng sinh học Saponin kết hợp với Chitosan và Axit axetic được thực hiện trong môi trường tự nhiên, theo một tỷ lệ tối ưu nhằm kéo dài thời gian bảo quản của các loại quả xoài, nhãn, mận và giữ được các đặc tính đặc trưng cho những loại quả này trong thời gian khoảng 30 ngày ở điều kiện nhiệt độ bình thường với chi phí khoảng 60 - 65% so phương pháp bảo quản lạnh. Bên cạnh đó, nhớm nghiên cứu cũng xác định thời điểm thu hoạch thích hợp cho quá trình bảo quản, đối với quả mận từ 65 đến 75 ngày, quả xoài từ 140 đến 150 ngày và quả nhãn từ 120 đến 130 ngày kể từ khi đậu quả.
Trong khuôn khổ Hội thảo, nhóm nghiên cứu tiến hành tập huấn kỹ thuật bảo quản quả xoài, nhãn, mận bằng màng sinh học. Đây là những kỹ thuật cơ bản, cần thiết và bổ ích để người dân có những phương pháp giữ được độ tươi mới, giá trị dinh dưỡng, giá trị cảm quan của các loại quả: xoài, nhãn, mận trong thời gian dài, nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp trong năm tới.
Thứ Hai, 09:27 09/12/2019
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.