Hội thảo công nghệ số ứng dụng trong thiết kế, chế tạo khuôn đùn nhôm phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ
Chiều ngày 02/12/2019, tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Viện Công nghệ HaUI đã tổ chức buổi hội thảo: “Công nghệ số ứng dụng trong thiết kế, chế tạo khuôn đùn nhôm phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ” trong khuôn khổ thực hiện đề án “Nghiên cứu, nâng cao năng lực thiết kế và chế tạo khuôn đùn ép sản phẩm định hình phục vụ công nghiệp hỗ trợ” thuộc chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2019.
Tham dự buổi hội thảo, có sự tham gia của PGS.TS. Phạm Văn Bổng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS. Phạm Đức Cường – Viện trưởng Viện Công Nghệ HaUI; đại diện của các công ty phần mềm CAD/CAM/CAE ViHoth, Vietbay; các công ty Borthers, Ausdoor trong lĩnh vực sản xuất khuôn và nhôm định hình kỹ thuật và đội ngũ kỹ sư nhiều năm kinh nghiệm thiết kế khuôn đùn nhôm. Đặc biệt có ông Stas, đại diện hãng phần mềm Qform (CHLB Nga) sang sự tham gia hội thảo, báo cáo và trao đổi kinh nghiệm.
Hiện nay, ứng dụng của các loại thanh nhôm định hình đang ngày càng đa dạng. Nhờ các ưu điểm vượt trội như: ít bị tác động của môi trường (nắng, mưa), khối lượng riêng nhẹ hơn so với các vật liệu kết cấu khác, dễ dàng gia công (khoan, cắt …), dễ dàng lắp ghép, khả năng tản nhiệt nhanh.... Các thanh nhôm định hình thường được sử dụng trong các kết cấu khung cửa, khung – vỏ máy dạng chịu tải thấp. Sản phẩm nhôm định hình được các nhà sản xuất quan tâm và phát triển đặc biết từ khâu thiết kế khuôn đùn ép. Hiện tại, các doanh nghiệp vẫn đang thiết kế khuôn đùn nhôm dựa vào kinh nghiệm, tiếp đến sẽ thử nghiệm khuôn. Nếu sản phẩm chưa đạt yêu cầu sẽ cần phải sửa khuôn, thậm chí còn phải thiết kế, gia công lại từ đầu để sản phẩm có kết quả như mong đợi. Tuy nhiên phương pháp đó làm tốn rất nhiều thời gian, kinh phí cũng như công sức.
Để giảm thiểu thời gian cũng như công sức phải bỏ ra để thử nghiệm khuôn, phần mềm Qform có khả năng mô phỏng quá trình biến dạng dẻo của kim loại trong khuôn đùn ép nhôm. Phần mềm giúp ta có thể dự đoán trước được các khả năng sai hỏng của sản phẩm, từ đó thay đổi thiết kế khuôn để sản phẩm nhôm định hình đạt yêu cầu.
PGS.TS. Phạm Văn Bổng, phó HT phát biểu trong hội thảo.
Chuyên gia “Stav” trao đổi về các tính năng ưu việt trong thiết kế, mô phỏng biến dạng dẻo trong khuôn đùn nhôm. Trong khuôn đùn ép, phần mềm Qform hỗ trợ quá trình thiết kế, mô phỏng đã và đang khẳng định được ưu điểm của mình trong việc mô phỏng quá trình làm việc của khuôn giúp người thiết kế phát hiện và chỉnh sửa sai sót ngay từ khâu thiết kế, giúp có thể tối ưu hóa thiết kế khuôn, qua đó giảm thiểu các lỗi thiết kế mà chỉ biểu hiện trong quá trình làm việc thực, tăng thời gian làm việc của khuôn cũng như chất lượng sản phẩm, nang cao hiệu quả kinh tế. Doanh nghiệp ứng dụng có thể chủ động trong việc đưa ra các mẫu mã mới phù hợp nhu cầu thị trường.
Chuyên gia Stas trao đổi về các tính năng của phẩn mềm Qform
Đại diện công ty ViHOTH trao đổi về giải pháp công nghệ gia công khuôn
Thiết kế, chế tạo khuôn là lĩnh vực khó, có giá trị cao và giá trị gia tăng lớn. Đây là công việc đòi hỏi kỹ sư hết sức chuyên nghiệp, nắm vững kiến thức chuyên môn, tính toán tỉ mỉ, có tư duy tốt trong công nghệ. Trong phạm vi của đề án, nhóm nghiên cứu sẽ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thử nghiệm một số loại khuôn đùn ép cho sản phẩm nhôm đang có nhu cầu lớn trên thị trường.
Phần cuối buổi hội thảo còn có sự chia sẻ, thảo luận và trao đổi từ những chuyên gia nhiều kinh nghiệm chuyên môn trong thiết kế, chế tạo khuôn đùn nhôm đến từ Công ty cổ phần kỹ thuật công nghiệp Brothers Việt Nam.
Buổi hội thảo đã giải đáp được nhiều vấn đề xoay quanh việc sử dụng công nghệ số ứng dụng trong thiết kế, chế tạo khuôn đùn nhôm phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Kết quả nghiên cứu của đề án “Nghiên cứu, nâng cao năng lực thiết kế và chế tạo khuôn đùn ép sản phẩm định hình phục vụ công nghiệp hỗ trợ”sẽ được áp dụng cho doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh. Nhà trường hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao kết quả của đề án, xây dựng mô hình hợp tác phát triển chung sản phẩm, thương mại hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện nay.
Thứ Năm, 11:09 05/12/2019
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.