Hội nghị tập huấn kỹ thuật bảo quản kéo dài thời hạn sử dụng một số sản phẩm bánh truyền thống làng Dòng, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ
Sáng ngày 8/4/2022, Nhóm nghiên cứu trường Đại học Công nghiệp Hà Nội kết hợp với Công ty TNHH Làng Dòng tổ chức buổi tập huấn: “Bảo quản kéo dài thời hạn sử dụng một số sản phẩm bánh truyền thống làng Dòng, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ” cho các hộ sản xuất bánh truyền thống tại huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Đây là một trong những nội dung quan trọng của đề tài cấp tỉnh Phú Thọ: “Nghiên cứu công nghệ bảo quản kéo dài thời hạn sử dụng một số sản phẩm bánh truyền thống của làng Dòng tỉnh Phú Thọ” do TS. Hoàng Thanh Đức – Viện Công nghệ HaUI, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ nhiệm.
Tới dự buổi tập huấn có đại diện của Phòng Quản lý khoa học - Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ, lãnh đạo công ty TNHH Làng Dòng, nhóm nghiên cứu đề tài thuộc trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và đông đảo các hộ dân làng nghề sản xuất bánh truyền thống tại làng Dòng.
Hình 1: Buổi tập huấn phương pháp bảo quản kéo dài thời hạn sử dụng một số loại bánh truyền thống tại làng Dòng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ
Nội dung buổi tập huấn tập trung triển khai và làm rõ ba nội dung quan trọng:
- Phụ gia thực phẩm, công dụng và liều lượng sử dụng phụ gia thực phẩm để bảo quản kéo dài thời hạn sử dụng các sản phẩm bánh làng Dòng;
- Nguyên nhân làm cho một số bánh truyền thống làng Dòng bị hư hỏng và có thời hạn sử dụng ngắn;
- Công thức phối hợp phụ gia và hướng dẫn quy trình kỹ thuật bảo quản, kéo dài thời hạn sử dụng các sản phẩm bánh truyền thống làng Dòng Phú Thọ (bánh gai, bánh nẳng, bánh dày).
Hình 2: TS. Đỗ Thị Hạnh – Thư ký khoa học, báo cáo tại buổi tập huấn
Tại buổi tập huấn, TS. Hoàng Thanh Đức - chủ nhiệm đề tài, đã chỉ ra rõ các nguyên nhân làm cho bánh bị hư hỏng và có thời hạn sử dụng ngắn của 4 loại bánh đặc trưng của làng Dòng bao gồm bánh gai, bánh nẳng, bánh dày và bánh đúc. Các nguyên nhân cơ bản có thể kể đến là vi khuẩn, nấm men, nấm mốc, hiện tượng thoái hóa tinh bột, nhiệt độ môi trường, độ ẩm không khí, vệ sinh dụng cụ, thiết bị máy móc,…Tất cả các nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan trên đều là tác nhân gây nên hiện tượng ôi thiu, chảy rữa, nấm mốc, làm giảm thời hạn sử dụng và chất lượng các loại bánh làng Dòng.
Hình 3: TS. Hoàng Thanh Đức – Chủ nhiệm đề tài báo cáo tại buổi tập huấn
Để khắc phục các nguyên nhân làm cho bánh làng Dòng nhanh bị hư hỏng và có thời hạn sử dụng ngắn, cần phải áp dụng biện pháp kỹ thuật bảo quản kéo dài thời hạn sử dụng bánh. Một trong các biện pháp bảo quản đơn giản và hiệu quả là sử dụng phụ gia bảo quản thực phẩm. Cũng tại buổi tập huấn, nhóm nghiên cứu đề tài đã trình bày và hướng dẫn cho bà con nắm được thông tin về một số phụ gia thực phẩm, công dụng và liều lượng sử dụng để bảo quản kéo dài thời hạn sử dụng các sản phẩm bánh làng Dòng. Đây là các loại phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế. Khi sử dụng để bảo quản bánh làng Dòng sẽ đảm bảo yêu cầu vệ sinh và an toàn thực phẩm.
Sau khi cung cấp các thông tin về phụ gia bảo quản thực phẩm, nhóm nghiên cứu đã trình bày hướng dẫn quy trình kỹ thuật bảo quản và công thức phối hợp các phụ gia để bảo quản, kéo dài thời hạn sử dụng các sản phẩm bánh truyền thống làng Dòng. Hướng dẫn quy trình kỹ thuật bảo quản bánh được nhóm nghiên cứu truyền đạt qua các hình ảnh trực quan, sinh động và tài liệu in ấn rõ ràng để người làm bánh dễ dàng nắm bắt và thực hiện. Tại buổi tập huấn, bốn quy trình công nghệ bảo quản kéo dài thời hạn sử dụng của các loại bánh gai, bánh nẳng, bánh dày và bánh đúc được chủ nhiệm đề tài hướng dẫn chi tiết, cụ thể cho bà con. Sau phần tập huấn hướng dẫn tại hội trường, nhóm nghiên cứu và công ty TNHH Làng Dòng còn có buổi hướng dẫn trực tiếp quy trình kỹ thuật bảo quản bánh tại một cơ sở sản xuất bánh nhà ông Nguyễn Văn Sơn ở khu 7, làng Dòng, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, để và tiện theo dõi.
Hình 4: TS. Hoàng Thanh Đức tập huấn kỹ thuật bảo quản các loại bánh truyền thống
bằng phụ gia thực phẩm cho bà con
Sau khi lắng nghe nhóm nghiên cứu đề tài trình bày hướng dẫn kỹ thuật bảo quản kéo dài thời hạn sử dụng các sản phẩm bánh, các hộ dân làng nghề tham dự buổi tập huấn đã có thêm nhiều kiến thức về bảo quản, kéo dài thời hạn sử dụng các loại bánh truyền thống đang sản xuất tại địa phương. Những nội dung tập huấn rất có ý nghĩa đối với các hộ làm bánh, góp phần nâng cao sản lượng, mở rộng sản xuất và tiêu thụ bánh tại địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện phòng QLKH - Sở KH&CN tỉnh Phú Thọ đánh giá cao lỗ lực thực hiện các nội dung đề tài và buổi tập huấn của nhóm nghiên cứu, cũng như sự phối hợp của Công ty TNHH Làng Dòng. Mong muốn Công ty TNHH Làng Dòng tiếp tục tạo điều kiện giúp đỡ nhóm nghiên cứu để hoàn thành tiếp các nội dung nghiên cứu của đề tài.
Hình 5: Nhóm nghiên cứu đề tài tham gia gói bánh Gai cùng hộ dân làng nghề
Buổi tập huấn diễn ra thành công tốt đẹp và kết thúc vào cuối buổi sáng cùng ngày. Kết thúc buổi tập huấn đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía các hộ dân làng nghề sản xuất bánh ở làng Dòng và lãnh đạo Công ty TNHH Làng Dòng.
Hình 6: Nhóm nghiên cứu đề tài chụp ảnh lưu niệm cùng công ty TNHH làng Dòng và bà con làng nghề
Thứ Ba, 08:42 12/04/2022
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.