TS. Vũ Thị Cương hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học tại Lab Hóa - Sinh
Công nghệ enzyme là một trong những lĩnh vực của công nghệ sinh học hiện đại, đó là một ngành sản xuất ra các chế phẩm enzyme. Enzyme là chất xúc tác sinh học không độc hại, có hoạt lực xúc tác mạnh và có bản chất là protein, enzyme rất phổ biến trong tự nhiên, rất cần thiết cho nhiều quá trình hóa học trong tế bào và sinh vật sống.
Sản xuất chế phẩm enzyme là một trong những phương hướng chính trong định hướng phát triển công nghiệp vi sinh. Trong những năm qua, sản lượng enzyme luôn tăng về khối lượng, chủng loại và lĩnh vực ứng dụng. Các chế phẩm enzyme được sử dụng trong các ngành như công nghiệp thực phẩm và công nghiệp nhẹ, mỹ phẩm, công nghiệp tẩy rửa, nông nghiệp, các nghiên cứu phân tích, dược phẩm và bảo vệ sức khỏe. Hầu như tất cả các nhà máy vi sinh đều xây dựng trên cơ sở sản xuất các chế phẩm enzyme, do vậy nhu cầu về chuyên gia kỹ thuật nắm bắt công nghệ sản xuất enzyme ngày càng tăng. Công nghiệp enzyme phát triển phụ thuộc rất nhiều không chỉ về kiến thức chuyên sâu và những nghiên cứu trong sản xuất, mà còn phụ thuộc vào sự hiểu biết và vận dụng khi giải quyết những vấn đề nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm mới trong các lĩnh vực vi sinh vật, hóa sinh, hóa lý và hóa keo, di truyền và đặc biệt là enzyme học – đây là khoa học, là tri thức cơ bản có tính nền móng trong sản xuất chế phẩm enzyme.
Mục đích chính trong kỳ thực tập là giúp các em sinh viên làm quen với công nghệ, kỹ thuật sản xuất chế phẩm enzyme từ nguyên liệu có nguồn gốc vi sinh vật, thực vật và động vật. Trong công nghệ sản xuất enzyme sử dụng rất nhiều máy móc và thiết bị công nghệ sinh học nên để nắm bắt tốt kiến thức sinh viên cần hiểu rõ các quá trình và thiết bị công nghệ sinh học.
Với thời gian thực tập không dài nhưng các em đã được các giảng viên của Viện hướng dẫn tận tình, tỉ mỉ những kiến thức không chỉ về chuyên môn, kỹ năng mà còn về thái độ trong công việc. Các em được học tập và nghiên cứu trong môi trường chuyên nghiệp, với đầy đủ các trang thiết bị máy móc phục vụ thử nghiệm tân tiến, hiện đại. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong thời gian thực tập do ảnh hưởng từ đại dịch kéo dài, nhưng cả thầy và trò Lab Hóa sinh đã rất cố gắng, nỗ lực thực hiện các công việc đề ra và đạt được các kết quả tốt như mong đợi, cụ thể như sau:
1.Đề tài:Nghiên cứu quy trình chiết xuất tinh dầu từ sa nhân tím định hướng sản xuất trà thảo dược.
Các mục tiêu chính của đề tài:
- Tìm hiểu về cây sa nhân tím
- Xây dựng quy trình chung chiết xuất tinh dầu từ sa nhân tím.
- Xác định các thành phần hóa học có lợi định hướng sản xuất trà thảo dược
Kết quả đạt được trong quá trình thực tập:
- Đọc tài liệu, tìm hiểu và nhận biết được cây sa nhân tím.
- Bước đầu xây dựng được quy trình để chiết xuất tinh dầu từ lá và thân cây sa nhân tím bằng phương pháp chiết Soxhlet.
- Điều chỉnh tỷ lệ nguyên liệu và dung môi, thời gian để chiết xuất tinh dầu.
Hình 1: Hệ thống chiết tinh dầu bằng bộ chiết Soxhlet
Hình 2: Chiết tinh dầu từ thân cây sa nhân với dung môi Ethanol
2. Đề tài: Nghiên cứu quy trình sản xuất nước uống thanh nhiệt từ sơn tra bằng công nghệ enzyme.
Các mục tiêu chính của đề tài:
- Nghiên cứu xây dựng các tỷ lệ phối trộn của các nguyên liệu.
- Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất nước uống thanh nhiệt từ sơn tra bằng công nghệ enzyme.
Kết quả đạt được trong quá trình thực tập:
- Đọc và tìm hiểu một số tài liệu liên quan đến nước uống thanh nhiệt, Sơn tra, enzyme.
- Tiến hành xây dựng và thực hiện được một số tỷ lệ phối trộn nguyên liệu.
- Xây dựng quy trình dự kiến cho sản phẩm nước uống thanh nhiệt từ sơn tra bằng công nghệ enzyme.
Hình 3: Nước uống thanh nhiệt từ Sơn tra
3. Đề tài: Nghiên cứu quy trình sản xuất bột chuối và mứt chuối bằng công nghệ enzyme.
Các mục tiêu chính của đề tài:
- Xây dựng được quy trình sản xuất bột chuối và mứt chuối.
Kết quả đạt được trong quá trình thực tập:
- Bước đầu xây dựng được quy trình sản xuất bột chuối và mứt chuối bằng công nghệ enzyme, xác định được hàm lượng, tỉ lệ, nhiệt độ thích hợp của enzyme cũng như một số hoá chất trong quá trình nghiên cứu.
- Điều chế ra sản phẩm tinh bột bằng công nghệ enzyme.
- Xác định Vitamic C, nồng độ chất hoà tan bằng refactometer của tinh bột.
Trong quá trình thực tập, các em sinh viên cũng được nhắc lại một số kiến thức về cấu trúc và động lực học enzyme. Phần cốt lõi của thời gian thực tập nằm ở các quá trình công nghệ tách, tinh sạch, tạo chế phẩm và bảo quản enzyme, bên cạnh đó các đề tài nghiên cứu của các em cũng nhấn mạnh tới một số loại enzyme phổ biến và phương hướng khai thác trong các lĩnh vực khác nhau. Kết quả đạt được rất tốt, đáp ứng các mục tiêu đặt ra ban đầu. Sau thực tập, các em sẽ tích lũy thêm cho bản thân những kiến thức thực tế, học hỏi thêm kinh nghiệm từ các thầy cô, là hành trang tốt trang bị cho các em sau khi ra trường.
Thứ Hai, 09:15 21/03/2022
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.