Các đề tài nghiên cứu thực tập tốt nghiệp của sinh viên chuyên ngành Hóa dưới sự hướng dẫn của TS Hoàng Thanh Đức
Bảo quản nông sản sau thu hoạch và các sản phẩm chế biến từ nông sản sau khi thành phẩm luôn là công đoạn cần thiết và phải chú trọng trong sản xuất. Bởi lẽ, sau thu hoạch nông sản không được bảo quản tốt sẽ khiến cho nông sản dễ bị ẩm mốc, hư hỏng, sâu mọt, côn trùng phá hoại,... dẫn đến hao hụt và ảnh hưởng đến chất lượng. Đồng thời các sản phẩm chế biến từ những loại nông sản không đạt yêu cầu cũng bị giảm chất lượng theo, thành phẩm sau chế biến không có cách bảo quản tốt cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm.
Trên thực tế có rất nhiều phương pháp bảo quản nông sản và sản phẩm chế biến từ nông sản khác nhau, như bảo quản bằng kho, bảo quản lạnh, bảo quản kín, bảo quản khô,… tuy nhiên hiệu quả đem lại từ các phương pháp trên còn nhiều hạn chế và chưa thực sự phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Nắm bắt được nhu cầu trên, phòng Công nghệ Hóa – Môi trường, Viện Công nghệ HaUI, đã lên kế hoạch làm việc chi tiết cho các em sinh viên khóa K13 chuyên ngành Hóa được thực tập tốt nghiệp tại Lab Hóa thuộc Viện, với các đề tài nghiên cứu xoay quanh hướng sử dụng phụ gia thực phẩm và màng phủ bán thấm để bảo quản kéo dài thời hạn sử dụng của một số loại bánh truyền thống và nông sản sau thu hoạch.
Sau một tháng thực tập tại Viện, được làm việc trong môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp cùng các thầy cô, các em sinh viên được học hỏi rất nhiều kiến thức từ các thầy cô giáo. Thái độ, tác phong làm việc nghiêm túc đến chuyên môn nghiên cứu chuyên sâu. Tại Lab, các em được hướng dẫn các phương pháp nghiên cứu, cách làm thí nghiệm, áp dụng các kiến thức được học trên ghế nhà trường vào thực tiễn. Với sự trợ giúp ân cần, chu đáo của các thầy cô, nhóm sinh viên thực tập tốt nghiệp đã có các hướng nghiên cứu và kết quả khả quan sau một khoảng thời gian thực hiện ngắn, cụ thể như sau:
1.Đề tài: Nghiên cứu sử dụng phụ gia thực phẩm để chế biến và bảo quản kéo dài thời hạn sử dụng của bánh đúc truyền thống.
Các mục tiêu chính của đề tài:
- Nghiên cứu sử dụng phụ gia thực phẩm để chế biến bánh đúc truyền thống không chứa hàn the.
- Xác định tỷ lệ, liều lượng phụ gia phối hợp để chế biến và bảo quản kéo dài thời hạn sử dụng của bánh đúc truyền thống,
- Xây dựng quy chế biến và bảo quản kéo dài thời hạn sử dụng của bánh đúc truyền thống.
- Nghiên cứu và tìm ra phương thức bao gói phù hợp.
Hình 1:Bánh đúc sau khi chế biến tiến hành bảo quản
Kết quả đạt được trong quá trình thực tập:
- Đã xác định được một số loại phụ gia để chế biến bánh đúc.
- Tìm được tỷ lệ của một số chất và công thức phụ gia phối hợp để chế biến và bảo quản bánh đúc.
- Bánh đúc sau phối chế bảo quản đc 4-5 ngày
2.Đề tài: Nghiên cứu pha chế dung dịch tạo màng bán thấm từ gelatin, phụ gia bảo quản thực phẩm và polyvinylpyrrolidone để bảo quản quả cà chua sau thu hoạch.
Mục tiêu chính của đề tài:
- Đưa ra được một công thức pha chế dung dịch tạo màng bán thấm từ Gelatin, phụ gia bảo quản thực phẩm và Polyvinylpyridone, đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Xác định được thời gian bảo quản và chất lượng quả cà chua sau khi bảo quản bằng màng phủ bán thấm pha chế từ Gelatin, phụ gia bảo quản thực phẩm và Polyvinylpyridone.
Hình 2: Cà chua sau khi phủ lớp màng bán thấm
Kết quả đã đạt được:
- Công thức tốt nhất đang đạt được là: Gelatin 4% + PVPK30 1%+ Kali sorbate 7% với thời gian nhúng là 20 giây thì sau 5 ngày khối lượng giảm 1.49%, sau 10 ngày thì 2.5%, sau 15 ngày là 3,2%.
- Sau 15 ngày vỏ quả vẫn màu đỏ hồng – tươi và đẹp, da nhẵn, căng, màng bảo quản không bị bong tróc tuy nhiên quả hơi mềm.
3.Đề tài: Nghiên cứu bảo quản quả ổi Đài Loan sau thu hoạch bằng màng phủ bán thấm pha chế từ phụ gia thực phẩm Xanthan Gum và Polyvinylpyridone.
Mục tiêu của đề tài:
- Nghiên cứu pha chế được dung dịch tạo màng bán thấm từ Xanthan Gum, phụ gia bảo quản thực phẩm và Polyvinylpyridone để bảo quản quả ổi Đài Loan sau thu hoạch.
- Xác định được thời gian bảo quản và chất lượng quả ổi sau khi bảo quản bằng màng phủ bán thấm pha chế từ Xanthan Gum, phụ gia bảo quản thực phẩm và Polyvinylpyridone.
Hình 3: Ổi Đài Loan được phân loại trước khi bảo quản
Kết quả đạt được:
- Bảo quản bằng màng Xanthan Gum, Polyvinylpyridone được 8 ngày và tiếp tục khảo sát thêm.
Hình 4: Tinh bột dong riềng sau biến tính
Các đề tài nghiên cứu và kết quả đạt được của các nhóm sinh viên rất đáng khích lệ, mặc dù thời gian thực hiện ngắn, ảnh hưởng của đại dịch kéo dài nhưng với ý chí cố gắng phấn đấu, đoàn kết của nhóm cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình đến từ các thầy cô giáo thuộc Viện, các em đã hoàn thành khóa thực tập tốt nghiệp với nhiều trải nghiệm và kết quả cao. Có thể nói, thực tập tốt nghiệp là bước đệm cho các em có cơ hội được vận dụng các kiến thức lý thuyết được học tại trường vào thực tiễn sản xuất, giúp các em được mở rộng tầm hiểu biết, có các kinh nghiệm thực tế, là tiền đề để mai sau các em ra trường làm việc tốt tại các doanh nghiệp.
Thứ Sáu, 09:00 18/03/2022
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.