Xây dựng mô hình trồng cây lấy tinh dầu theo tiêu chuẩn GACP-WHO
Với mục tiêu ứng dụng thành công tiến bộ khoa học và công nghệ (KH & CN) trong phát triển một số loại cây lấy tinh dầu nhằm tạo nguồn tinh dầu phục vụ thị trường xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế tỉnh Phú Yên, giai đoạn năm 2022-2024, HTX nông nghiệp và dịch vụ BB, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên phối hợp với đơn vị hỗ trợ ứng dụng công nghệ, Viện Công nghệ HaUI - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thực hiện dự án: “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình trồng theo tiêu chuẩn GACP-WHO và chiết xuất tinh dầu từ cây sả chanh (Cymbopogon citratus), sả java (Citronella) tạo nguồn tinh dầu định hướng phục vụ thị trường xuất khẩu tại Phú Yên”.
Trong hai ngày 7-8/4/2022, Sở KH & CN Phú Yên đã tổ chức họp hội đồng KH & CN cấp tỉnh năm 2022: Tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH & CN cấp tỉnh “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình trồng theo tiêu chuẩn GACP-WHO và chiết xuất tinh dầu từ cây sả chanh (Cymbopogon citratus), sả java (Citronella) tạo nguồn tinh dầu định hướng phục vụ thị trường xuất khẩu tại Phú Yên”. Chủ tịch hội đồng là Ông Dương Bình Phú – Giám đốc Sở KHCN tỉnh Phú Yên, cùng với sự tham gia của thành viên nhóm nghiên cứu và đơn vị chuyển giao công nghệ.
Hình 1: Nhóm nghiên cứu báo cáo mục tiêu, chiến lược thực hiện dự án trước hội đồng
Phát triển cây lấy tinh dầu trên địa bàn Phú Yên: hướng đi phù hợp
Căn cứ vào điều kiện TN-XH và chiến lược phát triển huyện Sơn Hoà, huyện có hai vùng đất chính là đất đỏ Bazan (cao nguyên Vân Hòa) và đất phù sa bồi đắp tạo ra vùng đất màu mỡ, phì nhiêu và thích hợp với nhiều loại cây trồng công nghiệp và chuyên canh. Huyện có 13 xã và 1 thị trấn với 76 buôn, khu phố, được công nhận thuộc vùng nông thôn miền núi khó khăn (Theo QĐ 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013). Theo Kế hoạch 154 KH-UBND ngày 25/11/2021 của UBND Huyện về việc xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 phát triển nhóm sản phẩm chủ lực của huyện, và nhóm sản phẩm đặc sản địa phương.
Cây sả chanh tên khoa học là Cympobogon Citratus. Cây sả Java tên khoa học là Citronella. Cả hai cây sả đều thích hợp trồng ở vùng có ánh sáng dồi dào và độ ẩm cao như vùng miền núi huyện Sơn Hoà. Chu kỳ kinh tế của cây sả kéo dài từ 5-7 năm (mất công trồng 1 lần), sau 4-5 tháng thu hoạch, lứa thu tiếp theo sau 45 ngày, chăm sóc đơn giản, chỉ phải làm cỏ, sản lượng cao nhất vào năm thứ 2 trở đi và đạt mức ổn định trong các năm tiếp theo.
Nhu cầu thị trường tinh dầu sả trong nước và xuất khẩu lên tới 3 tấn/đơn/tháng. Do đó cần xây dựng quy trình trồng cây sả theo GACP-WHO nhằm cung cấp tinh dầu đạt tiêu chuẩn cả về số lượng và chất lượng định hướng xuất khẩu. Từ đó dẫn đến việc cần phải xây dựng mô hình quy hoạch trồng và sản xuất tinh dầu sả chanh và sả Java tại huyện Sơn Hoà nhằm nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho người dân vùng nông thôn miền núi, phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn bền vững.
Hình 2: TS. Vũ Thị Cương đại diện đơn vị chuyển giao công nghệ của dự án báo cáo trước hội đồng
Hiệu quả từ dự án
Mục tiêu của nhiệm vụ nhằm: Ứng dụng tốt kỹ thuật nhân giống, trồng và chăm sóc cây sả theo tiêu chuẩn thực hành trồng cây dược liệu tốt của tổ chức WHO (tiêu chuẩn GACP-WHO). Xây dựng được vùng trồng đạt quy mô công nghiệp kết nối giữa HTX và hộ gia đình. Xây dựng được chuỗi sản phẩm của dự án đạt chất lượng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Bố trí mặt bằng và xây dựng cơ bản được thực hiện trên đất tại HTX Nông nghiệp và Dịch vụ BB thuộc huyện Sơn Hòa với diện tích 200.000m2(Nhà kho chứa vật tư, vật liệu được xây dựng gần vùng trồng sả, thuận tiện giao thông, nguồn nước sạch, nhà xưởng cất tinh dầu yêu cầu diện tích đạt: 500 kg nguyên liệu/mẻ). Bố trí 2 mô hình trồng sả: 10ha/mô hình.
Giải pháp về đào tạo: Viện Công nghệ HaUI - Trường ĐHCNHN cùng phối hợp với Viện hóa học - Viện HLKH&CN VN (VAST) tổ chức các lớp tập huấn xây dựng mô hình trồng sả chanh, sả Java và sản xuất tinh dầu sả tại Hợp tác xã. Đối tượng tham gia tập huấn gồm nông dân, cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông của địa phương (4 lớp/200 người dân).
Giải pháp về xây dựng mô hình dự án: Xây dựng nhân sự (gồm ban chủ nhiệm dự án và 2 tổ sản xuất, tổ chuyên gia tập huấn và chuyển giao công nghệ).
Triển khai thực hiện các mô hình: Mô hình vườn ươm tạo giống sả (vườn nhân giống với quy mô diện tích 5.000m2 và 500m2 vườn ươm). Mô hình trồng, chăm sóc cây sả (10 ha/mô hình). Mô hình chiết suất tinh dầu sả: công suất 500 kg nguyên liệu/mẻ, yêu cầu là 100-150 lít tinh dầu/20 ha.
Giải pháp về thị trường tiêu thụ sản phẩm: Đơn vị tham gia thương mại, tổ chức kết nối thị trường CHLB Nga là Công ty cổ phần Bio technology Anna phối hợp Công ty TNHH “Russian Straus” Đại diện phía CHLB Nga. Tổ chức 01 hội thảo khoa học kết nối thương mại và quảng bá sản phẩm.
Hình 3: Khảo sát khu trình diễn trồng cây dược liệu của doanh nghiệp HTX nông nghiệp và dịch vụ BB huyện Sơn Hòa tỉnh Phú Yên
Mô hình trồng sả lấy tinh dầu của Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ BB, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên thành công sẽ là tiền đề và minh chứng thực tế cho sự thay đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng thành công tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất chế biến dược liệu đạt tiêu chuẩn thương mại quốc tế. Dự án góp phần thay đổi cơ cấu ngành nghề chuyển hướng tích cực hơn phù hợp với xu thế của thị trường, tạo ra sản phẩm có giá trị xuất khẩu nhằm tạo thêm sản phẩm nông sản có giá trị cao và sản phẩm mục tiêu của địa phương.
Sau phiên họp, hội đồng đã cho ý kiến dự án đã đạt được những kết quả bước đầu, khẳng định được hướng đi đúng của một dự án nông thôn miền núi trên địa bàn có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển cây dược liệu như Phú Yên. Hội đồng đã bỏ phiếu thống nhất thông qua để trình UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ, đưa vào danh mục dự án nông thôn miền núi cấp tỉnh triển khai trong năm 2022, dự kiến thời gian thực hiện là 36 tháng.
Thứ Bảy, 09:09 09/04/2022
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.