Trình diễn sản phẩm ứng dụng của đề tài NCKH cấp tỉnh Vĩnh Phúc
Căn cứ vào công văn số 154/ĐHCN-VCN về việc ứng dụng, trình diễn thử nghiệm sản phẩm KHCN của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Sáng ngày 31/3/2022, Sở Tài nguyên Môi trường Vĩnh Phúc kết hợp với nhóm nghiên cứu Viện Công nghệ HaUI - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thực hiện trình diễn các sản phẩm ứng dụng của đề tài “Nghiên cứu, thiết lập bản đồ lan truyền ô nhiễm không khí đối với hoạt động giao thông, sản xuất công nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc”, số: 31/HĐ-ĐTKHVP/2020-2022 do TS. Phạm Hương Quỳnh làm chủ nhiệm tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc.
Cuộc họp do Ông Nguyễn Bá Hiến - Trưởng Phòng Quản lý Tài nguyên và Môi trường – Sở Tài Nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc làm chủ trì. Tham dự cuộc họp có đại diện sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc cùng nhóm thành viên thực hiện đề tài.
Hình 1: TS. Phạm Hương Quỳnh trình diễn các sản phẩm của đề tài tại phiên họp
Tại phiên họp, TS. Phạm Hương Quỳnh cùng ThS. Phạm Việt Anh đại diện nhóm đề tài trình diễn các sản phẩm ứng dụng bao gồm:
- 6 bản đồ hiện trạng phát thải tỷ lệ 1/50.000 cho các chất ô nhiễm: PM2,5, CO, SO2, NMVOC, NOx, TSP;
- 04 bản đồ lan truyền ô nhiễm tỷ lệ 1/50.000 cho các chất ô nhiễm: CO, O3, SO2, NOx;
- Nhóm nghiên cứu tập huấn, trình diễn mô hình tính toán phát thải khí thải EMISSENS cho Sở TN & MT tỉnh Vĩnh Phúc.
Hình 2: Bản đồ hiện trạng phát thải PM2.5
Sau khi nghe báo cáo từ nhóm nghiên cứu đề tài, Sở Tài Nguyên Môi trường Vĩnh Phúc đã nhận xét và cho ý kiến: Đây là một hướng nghiên cứu mới và có tính ứng dụng cao phục vụ cho công tác quản lý chất lượng môi trường không khí của tỉnh Vĩnh Phúc; Báo cáo đã đưa ra được 12 bản đồ phát thải ô nhiễm: PM2,5, CO, SO2, NMVOC, NOx, TS tỷ lệ 1/50.000 của Giao Thông và Công nghiệp.
Hình 3: Th.S Phạm Việt Anh báo cáo các ứng dụng sản phẩm đề tài
Nhóm nghiên cứu đã trao đổi làm rõ các vấn đề được đặt ra tại phiên họp với các thành viên trong hội đồng. Bản đồ lan truyền ô nhiễm được chạy trên phầm mềm TAPOM trong thời gian 4 tháng, bản đồ phát thải trong khoảng thời gian 1-2 tháng. Đại diện mẫu được xác định dựa trên mật độ dân số và công nghiệp đảm bảo sự đồng đều trên địa bàn 9 đơn vị hành chính của Tỉnh. Bản đồ phát thải trực quan, phục vụ công khai dữ liệu, có tính kết nối tương thích với các loại dữ liệu khác. Kết quả tính toán được dựa trên số liệu quan trắc và lấy mẫu kiểm định thực tế thu được có độ chính xác trên 80%.
Hình 4: Mô phỏng lan truyền ô nhiễm nồng độ O3
(O3max = 122 µg/m3; QCVN 05:2013/BTNMT = 200 µg/m3)
Các kết quả của nhóm nghiên cứu có ý nghĩa ứng dụng cao, chúng hỗ trợ nhiều cho việc thực hiện chương trính xây dựng kế hoạch Quản lý môi trường không khí cấp tỉnh theo công văn 3051/BTNMT-TCMT V/v hướng dẫn kỹ thuật xây dựng. Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh ngày 7/6/2021 và Nghị định 08/NĐ-CP hướng dẫn luật bảo vệ môi trường ngày 10/1/2022 và Sở Tài Nguyên môi trường cần phải triển khai trong thời gian tới.
Sau phiên họp, nhóm nghiên cứu đề tài đã tổng hợp các ý kiến từ các thành viên trong hội đồng, tiếp thu các đóng góp quý báu để hoàn thiện hồ sơ trước các phiên nghiệm thu cấp cơ sở và cấp tỉnh trong thời gian tới đây. Phiên họp đã kết thúc thành công tốt đẹp vào cuối buổi sáng cùng ngày.
Thứ Sáu, 08:54 01/04/2022
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.