Sinh Viên K13 chuyên ngành Hóa thực tập tốt nghiệp tại Lab Hóa - Sinh
Là một trong những nội dung quan trọng, mang tính thực tế trong quá trình học tập và rèn luyện của mỗi sinh viên, thực tập tốt nghiệp là một cơ hội tốt để các em sinh viên có thể tiếp cận và tìm hiểu thực tế thông qua những kiến thức lý thuyết đã được học tại trường. Trải qua thời gian thực tập 1 tháng tại Lab Hóa – Sinh, Viện Công nghệ HaUI được tham gia vận hành một số thiết bị, nhóm các em sinh viên đã học hỏi được rất nhiều kiến thức thực tế, những kinh nghiệm quý báu, được tiếp xúc môi trường và điều kiện làm việc chuyên nghiệp tại đây.
Có được như vậy, là sự giúp đỡ tận tình từ thầy cô tại Viện và sự nỗ lực của các em sinh viên. Đặc biệt, nhóm sinh viên chuyên ngành Hóa sinh dưới sự hướng dẫn của TS. Vũ Đình Giáp. Thầy đã tận tình hướng dẫn nhóm trong suốt quá trình thực tập, tạo các điều kiện thuận lợi cho các em phát huy được năng lực nghiên cứu, sẵn sàng giúp đỡ, giải đáp những vướng mắc, trao đổi những kinh nghiệm trong quá trình làm việc cũng như cuộc sống với nhóm.
Trải qua thời gian thực tập ngắn ngủi, gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện do đại dịch kéo dài, nhưng thầy và trò nhóm nghiên cứu Hóa sinh đã rất nỗ lực và cố gắng, khắc phục những khó khăn và đạt được nhiều thành tích tốt ban đầu. Các nghiên cứu của thầy và trò có thể kể đến:
1.Sàng lọc hoạt tính và lựa chọn chủng nấm có khả năng sinh tổng hợp enzyme β-mannanase và ứng dụng nâng cao hiệu suất thủy phân bột đậu tương bổ sung vào thức ăn chăn nuôi.
Đối tượng: 38 chủng nấm nghiên cứu được phân lập, tinh sạch từ mẫu nấm thu thập tại VQG Cúc Phương (Ninh Bình) và Mường Phăng (Điện Biên). Trong 38 chủng đã được định tên theo phương pháp hình thái giải phẫu so sánh, 12 chủng được định tên đến loài. Nấm được lưu giữ tại Phòng thí nghiệm, Viện Công nghệ HaUI, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Mục tiêu chính:
- Sàng lọc và lựa chọn chủng nấm lớn từ bộ chủng nấm nghiên cứu (40 chủng) có khả năng sinh tổng hợp enzyme β-mannanase.
- Xác định điều kiện thích hợp như: nguồn cơ chất, nhiệt độ, thời gian, pH, nguồn carbon và nguồn nitơ để nấm sinh tổng hợp enzyme β-mannanase cao nhất trên môi trường lên men dịch thể hay môi trường rắn.
- Lên men nấm trên quy mô pilot (2-3 lít/mẻ), thu hồi, cô đặc enzyme thô làm nguyên liệu sản xuất chế phẩm β-mannanase.
- Ứng dụng chế phẩm enzyme β-mannanase trong thủy phân bột đậu tương (bao gồm chuỗi: Glucomannan, Mannan, Galactoglucomannan,…)thành các Monosaccharide, Oligosaccharide dễ tiêu hóa sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Hình 1: Các em sinh viên thực tập tại Lab Hóa
2.Sàng lọc, lựa chọn và nghiên cứu các điều kiện thích hợp sinh tổng hợp cellulase từ nấm và so sánh với chế phẩm cellulase thương mại trong ứng dụng thu nhận dịch từ 1 số loại củ
Đối tượng: 38 chủng nấm nghiên cứu được phân lập, tinh sạch từ mẫu nấm thu thập tại VQG Cúc Phương (Ninh Bình) và Mường Phăng (Điện Biên). Trong 38 chủng đã được định tên theo phương pháp hình thái giải phẫu so sánh, 12 chủng được định tên đến loài. Nấm được lưu giữ tại Phòng thí nghiệm, Viện Công nghệ HaUI, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Mục tiêu chính:
- Sàng lọc và lựa chọn chủng nấm lớn từ bộ chủng nấm nghiên cứu có khả năng sinh tổng hợp enzyme cellulase.
- Xác định điều kiện thích hợp (cơ chất, nhiệt độ, thời gian, pH, nguồn carbon và nguồn nitơ) để chủng nấm nghiên cứu sinh tổng hợp enzyme cellulase cao nhất trên môi trường phù hợp.
- Lên men nấm trên quy mô pilot (3-4 lít/mẻ), thu hồi enzyme thô làm nguyên liệu sản xuất chế phẩm cellulase.
- Ứng dụng chế phẩm enzyme cellulase để nâng cao hiệu suất thu nhận dịch chiết giàu hoạt tính sinh học (chống oxy hóa, kháng vi sinh vật kiểm định) và đánh giá hàm lượng một số hoạt chất quý (vitamin C, acid phenonic) từ một số loại củ (củ dền đỏ, củ hành tím, củ hành tây,…).
Hình 2: Các em sinh viên vận hành các trang thiết bị tại phòng Lab
3. Nâng cao hiệu suất thu nhận dịch chiết từ vỏ củ dền và đánh giá một số hoạt tính sinh học từ dịch chiết thành phẩm.
Đối tượng: Củ dền đỏ là một loại rau được tiêu thụ nhiều trên toàn thế giới do có chứa một lượng các chất hoạt tính sinh học bao gồm betanin, carotenoid, các hợp chất phenolic, vitamin B (B1, B2, B3, B6 và B12), chất xơ và nitrat vô cơ. Các bộ phận của củ dền đỏ đều có công dụng chữa bệnh khác nhau như chống oxy hóa, tiêu độc, bảo vệ gan hoặc bảo vệ tim mạch. Ngoài ra, củ dền đỏ còn ức chế quá trình peroxy hóa lipid có tác dụng ngăn ngừa ung thư. Những năm gần đây, các hoạt chất giàu hoạt tính sinh học của củ dền đỏ được sử dụng phổ biến nhằm tăng cường sức khỏe và chống lão hóa.
Mục tiêu chính:
- Khảo sát một số phương pháp chiết xuất dịch chiết giàu hoạt tính sinh học từ các bộ phận củ dền đỏ. Các phương pháp được sử dụng như: xử lý cơ học (nghiền ép), nghiền mẫu bằng sóng siêu âm và sử dụng đơn hay đa enzyme thủy phân (protease, pectinase và amylase).
- Nghiên cứu điều kiện thích hợp (thời gian, pH, nồng độ dung môi) để nâng cao hiệu suất thu hồi dịch chiết giàu hoạt tính từ các bộ phận (phần vỏ và thịt) củ dền đỏ.
- Đánh giá hoạt tính sinh học (chống oxy hóa, kháng vi sinh vật kiểm định) và đánh giá hàm lượng một số hoạt chất có tác dụng bảo vệ sức khỏe (vitamin C, acid phenonic) từ dịch chiết thành phẩm.
Có thể nói, các đề tài nghiên cứu dành cho các em sinh viên thực tập tại Viện rất thực tế, áp dụng trực tiếp các kiến thức được học từ nhà trường vào thực hành, thực nghiệm. Cách làm nghiên cứu cũng như tiếp cận vấn đề của các em được thay đổi rõ rệt, bước đầu hình thành những thói quen tích cực trong nghiên cứu. Những hướng nghiên cứu các em đã thực hiện dưới sự hướng dẫn trực tiếp từ TS. Vũ Đình Giáp có tính thực tiễn cao, giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống hàng ngày. Qua thời gian thực tập ngắn nhưng các kết quả đạt được bước đầu đã đáp ứng các mục tiêu chính đề ra. Đảm bảo khối lượng công việc cũng như chất lượng của kỳ thực tập tốt nghiệp tại Viện của nhóm các em sinh viên chuyên ngành Hóa sinh.
Thứ Hai, 07:30 14/03/2022
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.