Thẩm định sản phẩm và nghiệm thu cấp cơ sở đề án thuộc Chương trình Công nghiệp hỗ trợ năm 2021: “Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thiết kế, chế tạo khuôn dập nóng cho sản phẩm phụ tùng ô tô xe máy cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ”.
Sáng ngày 20/12/2021, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức buổi thẩm định sản phẩm và nghiệm thu cấp cơ sở đề án thuộc chương trình Công nghiệp hỗ trợ năm 2021: “Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thiết kế, chế tạo khuôn dập nóng cho sản phẩm phụ tùng ô tô xe máy cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ” do PGS. TS. Phạm Đức Cường làm chủ nhiệm. Tham dự buổi thẩm định sản phẩm và nghiệm thu đề án cấp cơ sở có sự góp mặt của PGS. TS. Phạm Văn Bổng – Chủ tịch hội đồng nghiệm thu, thành viên tổ thẩm định theo quyết định và nhóm nghiên cứu đề án.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ là một chương trình lớn của Nhà nước nhằm thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu tập trung nguồn lực, công nghệ tạo ra các sản phẩm và tham gia vào chuỗi cung ứng trong sản xuất công nghiệp và tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Trong công nghiệp ô tô xe máy, các chi tiết, phụ tùng, bộ phận chiếm tới trên 80% được sử dụng công nghệ gia công áp lực như rèn, dập, cán, kéo, đùn (ép chảy). Một trong những phương pháp chế tạo phôi phổ biến được dùng trong cơ khí chế tạo là phương pháp dập thể tích nhờ khả năng chế tạo các chi tiết, chi tiết phôi… với độ chính xác cao, thời gian gia công ngắn và đặc biệt là cơ tính của chi tiết tốt hơn rất nhiều so với phương pháp gia công cắt gọt, do sự cải thiện về thớ kim loại và cấu trúc kim loại trong quá trình gia công. Tại những nước có nền cơ khí phát triển như Đức, Nga, Nhật Bản, Đài Loan, …, dập thể tích không chỉ là phương pháp chế tạo phôi mà còn là phương pháp chế tạo sản phẩm hoàn thiện, nhờ công nghệ dập nóng, dập nguội với độ chính xác cao. Phát triển lĩnh vực gia công này chính là một giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cho nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ.
Trong chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2021, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và nhóm nghiên cứu thuộc Trường được phân công thực hiện Đề án: “Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thiết kế, chế tạo khuôn dập nóng cho sản phẩm phụ tùng ô tô xe máy cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ” được Bộ Công Thương phê duyệt theo Quyết định số: 3616/QĐ-BCT.
Hình 1: Tổ thẩm định sản phẩm đề án
Hình 2: Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đề án
Đề án thực hiện nhằm đạt được một số mục tiêu chính sau:
- Nâng cao và mở rộng năng lực của Trường đại học Công nghiệp Hà Nội trong đào tạo thiết kế và chế tạo khuôn sử dụng các phần mềm CAD/CAE, đặc biệt là lĩnh vực khuôn/mẫu phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ.
- Nghiên cứu xây dựng được quy trình công nghệ thiết kế, chế tạo khuôn dập nóng sử dụng các phần mềm CAD/CAE, sử dụng công cụ phân tích tối ưu phù hợp nhằm giảm thời gian chu kỳ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng tới sản phẩm cơ khí trong công nghiệp hỗ trợ nói chung và trong lĩnh vực phụ tùng ô tô, xe máy nói riêng.
- Hợp tác, hỗ trợ đào tạo chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu của Việt Nam trong ứng dụng phần mềm CAD/CAE trong thiết kế và chế tạo khuôn cho các sản phẩm mới, tối ưu hóa quy trình công nghệ sản xuất.
Trong khuôn khổ của đề án, sau 1 năm thực hiện, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành các nội dung đặt ra theo đúng hợp đồng và thuyết minh đề án bao gồm khảo sát đánh giá thị trường khuôn cũng như năng lực xây dựng quy trình thiết kế khuôn dập nóng sử dụng phần mềm NX 11.0 trong vẽ thiết kế, phần mềm QForm trong mô phỏng, phân tích, tối ưu hóa về kết cấu và tính toán dự báo tuổi bền khuôn cho 2 sản phẩm là Càng lái và Tay biên xe máy. Các kết quả thử nghiệm khuôn tại doanh nghiệp được đánh giá cao, khẳng định ưu việt của quy trình thiết kế khuôn do nhóm đề xuất, khẳng định việc sử dụng các phần mềm hỗ trợ thiết kế và tối ưu kết cấu đã giúp rút ngắn đáng kể quá trình thiết kế chế tạo và đưa khuôn vào phục vụ sản xuất, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Trên cơ sở các kết quả đó, nhóm xây dựng bộ các tài liệu công nghệ phục đào tạo và chuyển giao công nghệ trong thiết kế khuôn dập nóng cho giảng viên và 5 doanh nghiệp trong lĩnh vực gia công cơ khí, khuôn mẫu phục vụ công nghiệp hỗ trợ.
Tại phiên thẩm định sản phẩm của đề án, các thành viên trong tổ thẩm định đánh giá cao các kết quả thực hiện của nhóm nghiên cứu, mặc dù trong thời gian thực hiện đề án ngắn là 1 năm, tình hình dịch bệnh Covid 19 còn gặp nhiều khó khăn trở ngại, nhưng nhóm đã nỗ lực nghiên cứu và triển khai thực hiện hết mình, không những hoàn thành đúng, đủ mà còn có phần vượt chỉ tiêu các nội dung được đăng ký tại hợp đồng và thuyết minh của đề án.
Trong phiên họp nghiệm thu cấp cơ sở của đề án, các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khuôn áp lực đã đóng góp các ý kiến cho nhóm nghiên cứu, nhằm xây dựng, bổ sung và hoàn thiện thêm các nội dung nghiên cứu trong khuôn khổ của đề án. Các ý kiến đến từ các chuyên gia, các nhà khoa học bám sát các nội dung nghiên cứu, cách nhìn nhận vấn đề đến từ nhiều khía cạnh khác nhau. Nhóm nghiên cứu ghi nhận các ý kiến đóng góp từ hội đồng nghiệm thu, sẽ tiến hành hiệu chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các nội dung nghiên cứu trước khi nộp hồ sơ nghiệm thu trên cấp nhà nước.
Cuối buổi nghiệm thu, PGS. TS. Phạm Văn Bổng – Chủ tịch hội đồng, thay mặt cho tổ thẩm định và hội đồng nghiệm thu công bố kết quả của buổi thẩm định sản phẩm và nghiệm thu cấp cơ sở của đề án tới nhóm nghiên cứu, chúc mừng nhóm nghiên cứu đã xếp loại Đạt các hạng mục trong nội dung, và yêu cầu nhóm nghiên cứu tiến hành bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện các nội dung báo cáo trước khi nghiệm thu đề án ở các cấp cao hơn.
Một số hình ảnh tại buổi nghiệm thu đề án
Hình 3: PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn phát biểu ý kiến nhận xét tại hội đồng
Hình 4: PGS. TS. Đào Duy Trung chia sẻ ý kiến tại hội đồng
Hình 5: PGS. TS. Phạm Văn Đông đóng góp ý kiến tại hội đồng
Hình 6: GS. TS. Nguyễn Đức Toàn đọc phản biện tại buổi nghiệm thu
Hình 7: PGS. TS. Lê Thu Quý đọc phản biện tại buổi nghiệm thu
Thứ Tư, 16:47 22/12/2021
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.