Khảo sát xác định địa điểm trồng Hoàng sin cô tại tỉnh Lai Châu
Được coi là một nội dung quan trọng, mang tính định hướng cho các công việc tiếp theo của đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cấp tỉnh Lai Châu: “Nghiên cứu thử nghiệm cây Hoàng sin cô (Smallanthus sonchifolius) phục vụ sản xuất hàng hóa tại tỉnh Lai Châu” do PGS. TS. Nguyễn Quang Tùng, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ HaUI làm chủ nhiệm. Tháng 01/2022, nhóm nghiên cứu đề tài cùng 2 đơn vị tham gia phối hợp là Học viện Nông nghiệp Việt Nam, phòng kinh tế hạ tầng TP Lai Châu và phòng NN & PTNT huyện Tam Đường đã tiến hành khảo sát xác định địa điểm trồng Hoàng sin cô tại thành phố Lai Châu và huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu.
Cây Hoàng sin cô là một loại thực vật thân thảo hơi hóa gỗ (hơi cứng). Thân cây phát triển thẳng đứng, tròn, rỗng, cao từ 1,2 – 1,5m, một số cây có thể cao trên 2m. Cây thường mọc thành khóm. Lá rộng, dài tới 7-15cm, rộng 7-10 cm, mép lá có răng và có một lớp lông mịn phủ khắp lá chiều dài thân cây, có cuống lá dài. Quả của cây Hoàng sin cô nhỏ, mọng nước và có màu đỏ nâu khi chín. Hoa màu vàng giống như hoa hướng dương nhưng nhỏ hơn, cuối mùa sinh trưởng hoa héo và tàn. Cây tạo ra hai loại rễ: rễ sinh trưởng (củ con) và rễ tích trữ (củ). Phần rễ tích trữ lớn và ăn được nằm ngầm dưới đất, hình dạng giống củ khoai lang nhưng to hơn nhiều, có màu vàng nhạt, mọng nước. Củ có thể dài tới 30 cm, đường kính tới 6-7 cm, củ to nặng hơn 1 kg, có củ nặng tới 2-3 kg, trung bình thì nặng từ 0,4 đến 0,5 kg. Một cây Hoàng sin cô có từ 15-60 củ con, phần này phát triển ngay dưới bề mặt đất và tạo ra các mầm sinh trưởng dùng để làm giống. Cây Hoàng sin cô sinh trưởng và phát triển tốt ở những vùng có độ cao trên 1000m so với mực nước biển, nhiệt độ thích hợp là từ 20-250C, độ ẩm không khí cao, đất có tầng canh tác dày, đất mùn, đất ẩm gần nguồn nước và dễ thoát nước, độ pH của đất từ 6 - 6,5.
Chuyến công tác khảo sát, đánh giá và lựa chọn địa điểm dự kiến trồng Hoàng sin cô của nhóm nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá và xác định được vị trí trồng thâm canh Hoàng sin cô phù hợp nhất tại tỉnh Lai Châu. Với các nội dung công việc:
- Thu thập thông tin thứ cấp (điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế xã hội, …) tại Phòng Kinh tế thành phố Lai Châu; Sở NN&PTNT và Phòng NN&PTNN huyện Tam Đường;
- Thu thập số liệu sơ cấp (điều tra kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến và thị trường tiêu thụ) của người dân/hộ gia đình buôn bán sản phẩm Hoàng sin cô tại địa phương;
- Khảo sát thực địa, quan sát và phân loại sơ bộ, đào phẫu diện, mô tả các mẫu đất và nước tại nơi dự kiến trồng Hoàng sin cô.
Hình 1: Nhóm nghiên cứu khảo sát địa hình tại địa điểm canh tác
Các đặc trưng về địa hình được nhóm nghiên cứu khảo sát bao gồm: độ cao, hướng và độ dốc được xác định bằng bản đồ địa hình kết hợp với máy định vị cầm tay GPS. Phân tích đặc điểm hóa học đất được xác định theo các tiêu chuẩn quốc gia, cụ thể là: độ chua đất theo TCVN 5979:2007; chất hữu cơ hay hàm lượng mùn theo TCVN 8941:2011; đạm tổng số theo tiêu chuẩn TCVN 6498:1999; lân tổng số theo TCVN 8940:2011; kali tổng số theo TCVN 8660:2011; lân dễ tiêu theo TCVN 8661:2011; kali dễ tiêu theo TCVN 8662:2011; Cation trao đổi theo TCVN 8569:2010,...và các chất tồn dự như: các kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật gây hại theo Quy chuẩn 03 - MT: 2015/BTNMT). Phân tích đặc điểm nước: các kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật gây hại… trong mẫu nước theo Quy chuẩn QCVN 08-MT:2015/BTNMT.
Hình 2: Nhóm nghiên cứu vận chuyển củ giống đến địa điểm canh tác
Sau khi khảo sát địa hình cũng như các mẫu đất và nước tại các địa điểm dự kiến trồng Hoàng sin cô, nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp chuyên gia, phương pháp thống kê, so sánh các số liệu thông tin thu thập được với đặc điểm sinh thái của cây Hoàng sin cô đã lựa chọn được 2 địa điểm thích hợp nhất cho việc trồng Hoàng sin cô là thành phố Lai Châu và huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu.
Hình 3: Nhóm nghiên cứu cùng các hộ dân kiểm tra củ giống
Sau chuyến công tác, nhóm nghiên cứu đã thu thập được các số liệu về thực trạng trồng, chăm sóc, chế biến và lựa chọn địa điểm triển khai thực hiện đề tài tại 2 địa điểm thuộc tỉnh Lai Châu. Tiến hành xây dựng kế hoạch triển khai mô hình và viết báo cáo khảo sát địa điểm trồng Hoàng sin cô. Được coi là một nội dung quan trọng, ảnh hưởng đến tiến độ cũng như hướng nghiên cứu của toàn bộ đề tài, chuyến công tác của nhóm nghiên cứu đã bước đầu thành công, tạo tiền đề để chủ nhiệm đề tài cùng nhóm xây dựng các kế hoạch triển khai các công việc tiếp theo trong khuôn khổ của đề tài.
Thứ Ba, 17:30 25/01/2022
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.