Nghiệm thu cấp nhà nước đề án thuộc chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2021: “Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thiết kế, chế tạo khuôn dập nóng cho sản phẩm phụ tùng ô tô xe máy cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ”
Là một trong những đề án tiêu biểu thuộc Chương trình phát triển Công nghiệp hỗ trợ của Bộ Công Thương năm 2021. Đề án “Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thiết kế, chế tạo khuôn dập nóng cho sản phẩm phụ tùng ô tô xe máy cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ” do PGS. TS. Phạm Đức Cường – Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ nhiệm, đã được Bộ Công Thương tổ chức nghiệm thu cấp Nhà nước vào chiều ngày 05/01/2022 tại văn phòng Bộ, ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp làm chủ tịch hội đồng.
Với 1 năm thực hiện, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành các nội dung đặt ra theo đúng hợp đồng và thuyết minh đề án bao gồm:
- Khảo sát đánh giá thị trường khuôn cũng như năng lực xây dựng quy trình thiết kế khuôn dập nóng sử dụng phần mềm NX 11.0 trong vẽ thiết kế, phần mềm QForm trong mô phỏng, phân tích, tối ưu hóa về kết cấu và tính toán dự báo tuổi bền khuôn cho 2 sản phẩm là Càng lái và Tay biên xe máy.
- Các kết quả thử nghiệm khuôn tại doanh nghiệp được đánh giá cao, khẳng định ưu việt của quy trình thiết kế khuôn do nhóm đề xuất, khẳng định việc sử dụng các phần mềm hỗ trợ thiết kế và tối ưu kết cấu đã giúp rút ngắn đáng kể quá trình thiết kế chế tạo và đưa khuôn vào phục vụ sản xuất, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
- Trên cơ sở các kết quả đó, nhóm xây dựng bộ các tài liệu công nghệ phục đào tạo và chuyển giao công nghệ trong thiết kế khuôn dập nóng cho giảng viên và 5 doanh nghiệp trong lĩnh vực gia công cơ khí, khuôn mẫu phục vụ công nghiệp hỗ trợ.
Hình 1: PGS. TS. Phạm Đức Cường, chủ nhiệm đề án báo cáo tóm tắt các nội dung nghiên cứu trước hội đồng
Hình 2: Th.S Nguyễn Văn Cảnh – thư ký khoa học, báo cáo các nội dung thực hiện của đề án
Tiếp đó, nhóm nghiên cứu đánh giá việc ứng dụng các công nghệ mô phỏng số trong quá trình sản xuất ở các doanh nghiệp, công nghệ hỗ trợ còn khá hạn chế cả về hạ tầng lẫn nguồn nhân lực. Nhóm mạnh dạn đề nghị Cục Công nghiệp – Bộ Công thương tiếp tục đầu tư cho công nghệ khuôn dập kim với các hướng cụ thể là:
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mô phỏng số trong thiết kế, tối ưu và chế tạo các loại khuôn dập kim loại và ứng dụng trong sản xuất các sản phẩm đặc biệt là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
- Nghiên cứu ảnh hưởng của các thông số công nghệ, khuôn, phôi đến chất lượng sản phẩm gia công dập kim loại với các loại sản phẩm khác nhau nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của quá trình sản xuất.
- Nghiên cứu chuyển giao công nghệ mô phỏng số trong thiết kế chế tạo và tối ưu khuôn dập kim loại tới nguồn nhân lực đang được đào tạo và nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực lao động sáng tạo của nguồn nhân lực đất nước nâng cao khả năng cạnh tranh với nguồn nhân lực quốc tế.
- Đầu tư nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mô phỏng số trong thiết kế, chế tạo và tối ưu khuôn, phôi trong các quá trình biến dạng dẻo khác như: Dập tấm, dập liên tục, … ứng dụng trong các ngành công nghiệp hỗ trợ như sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy, sản xuất sản phẩm trang trí, nội thất, … nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng của quá trình sản xuất.
Sau khi nghe nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả các nội dung đề án đã thực hiện. Các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu đã có những ý kiến nhận xét sâu sắc. Ông Phạm Tuấn Anh - chủ tịch hội đồng thay mặt cho hội đồng nghiệm thu đánh giá cao các kết quả đã đạt được của đề án, mặc dù trong 1 năm vừa qua có nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình thực hiện đề án, tuy nhiên nhóm đã cố gắng hoàn thành đúng, đủ và có phần vượt chỉ tiêu so với hợp đồng và thuyết minh đề án đặt ra ban đầu. Đây là 1 trong những đề án triển vọng vừa có ý nghĩa về mặt khoa học, vừa có ý nghĩa về mặt thực tiễn, cần được triển khai thực hiện rộng khắp cả nước trong thời gian tới đây.
Hình 3: PGS. TS. Nguyễn Tiến Hán cùng PGS. TS. Phạm Đức Cường gửi lời cảm ơn đến toàn thể hội đồng nghiệm thu đề án
Cuối buổi nghiệm thu, thay mặt cho nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, PGS. TS. Phạm Đức Cường gửi lời cảm ơn chân thành đến toàn thể các thành viên trong hội đồng đã đóng góp các ý kiến quý báu giúp cho nhóm nghiên cứu hoàn thiện nội dung đề án một cách chỉn chu hơn trước khi nộp các sản phẩm hoàn chỉnh gửi về Bộ Công Thương. Đồng thời, trước thềm năm mới Nhâm Dần 2022 sắp đến, Chủ nhiệm đề án cũng gửi lời chúc tới toàn thể các nhà khoa học có một năm mới an khang, thịnh vượng, bình an và gặp nhiều điều may mắn!
Thứ Tư, 16:31 05/01/2022
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.