Chuyến khảo sát, lấy mẫu quả thực hiện việc nghiên cứu đề tài tại tỉnh Hà Tĩnh
Từ ngày 12- 13/9/2019, trong khuôn khổ việc thực hiện Đề tài cấp tỉnh: “Nghiên cứu ứng dụng màng sinh học saponin kết hợp với chitosan và axit axetic trong bảo quản quả cam, bưởi tại Hà Tĩnh”, đoàn công tác Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội do PGS.TS Nguyễn Văn Lợi làm trưởng đoàn phối hợp cán bộ Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Hương Khê; Hợp tác xã Bưởi Phúc Trạch và Dịch vụ tổng hợp Phát Lộc đã có chuyến công tác thực tế, khảo sát và lấy mẫu quả tại hợp tác xã Bưởi Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Đoàn khảo sát, lấy mẫu quả tại HTX Bưởi Phúc Trạch và DVTH Phát Lộc.
Hà Tĩnh là tỉnh có tiềm năng phát triển cây ăn quả, đặc biệt là cây ăn quả có múi như: cây cam, cây bưởi. Trong Đề án công tác Khuyến nông Hà Tĩnh giai đoạn 2017 -2020, định hướng đến năm 2025 được UBND tỉnh phê duyệt tháng 5/2017 nhấn mạnh tới việc phát triển cây ăn quả có múi: Nhân rộng mô hình thâm canh cây cam, cây bưởi Phúc Trạch đạt tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn một số huyện trong tỉnh như: Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Can Lộc. Tuy nhiên, do điều kiện khí hậu tự nhiên khắc nghiệt, ảnh hưởng lớn đến năng suất và sản lượng quả cam, bưởi, cộng với diện tích và sản lượng hai loại quả này ngày càng được tăng lên, thì vấn đề bảo quản và chế biến sau thu hoạch cần phải tính đến để tránh được tình trạng mất mùa hoặc được mùa thì mất giá vào mùa thu hoạch cao điểm.
Bưởi Phúc Trạch
Trong thực tế, việc thu hoạch, vận chuyển, đóng gói, bảo quản quả cam, quả bưởi, ở nước ta hiện nay chủ yếu vẫn là biện pháp thủ công. Hoa quả được tồn trữ trong thời gian ngắn nhằm mục đích tiêu thụ và vận chuyển ngắn ngày, vì vậy các thông số về công nghệ bảo quản chưa được quan tâm. Trên cơ sở nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng chính (nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ lưu thông không khí, tỷ lệ chế phẩm phù hợp với từng loại quả…) đến sự biến đổi sinh hóa và chất lượng các thành phần dinh dưỡng, giá trị cảm quan, tỷ lệ thối hỏng…Từ đó, nhóm nghiên cứu sẽ đưa ra công nghệ bảo quản phù hợp đối với hai loại quả này bằng màng sinh học saponin kết hợp với chitosan và axit axetic.
PGS.TS. Nguyễn Văn Lợi, Chủ nhiệm đề tài tại vườn Bưởi Phúc Trạch
Việc sử dụng các chế phẩm sinh học có nguồn gốc tự nhiên để tạo màng bảo quản nông sản thực phẩm là một hướng đi mới hiện nay trên thế giới và trong nước, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường, tiết kiệm được chi phí trong quá trình bảo quản. Với thời gian từ 35-45 ngày trong điều kiện nhiệt độ thường mà chi phí bảo quản chỉ bằng 35-40% so với biện pháp bảo quản lạnh, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững nghề trồng cam, trồng bưởi của tỉnh Hà Tĩnh.
Thứ Hai, 08:38 16/09/2019
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.