Nghiệm thu sản phẩm và nghiệm thu cấp cơ sở nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh Phú Thọ
Chiều ngày 28/6/2022, Hội đồng khoa học trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức nghiệm sản phẩm và nghiệm thu cấp cơ sở nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh Phú Thọ: “Nghiên cứu công nghệ bảo quản kéo dài thời hạn sử dụng một số sản phẩm bánh truyền thống của làng Dòng, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ”. Đề tài do TS. Hoàng Thanh Đức, Viện Công nghệ HaUI làm chủ nhiệm. Buổi nghiệm thu do PGS. TS. Phạm Văn Bổng – Phó Hiệu trưởng làm chủ tịch hội đồng.
Tại phiên họp đầu tiên của buổi nghiệm thu (nghiệm thu sản phẩm đề tài), các thành viên trong tổ nghiệm thu đã có những nhận xét, đóng góp ý kiến, giúp nhóm nghiên cứu đề tài hoàn thiện danh mục các sản phẩm bám sát so với đăng ký trong thuyết minh đề tài. Tại đây, TS. Hoàng Thanh Đức – chủ nhiệm đề tài, đại diện nhóm nghiên cứu đã báo cáo tóm tắt các sản phẩm đạt được của đề tài. Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, nhóm đã xây dựng được 8 sản phẩm hoàn chỉnh bao gồm:
- Mẫu 4 loại bánh truyền thống của làng Dòng (Bánh gai, bánh dày, bánh đúc và bánh nẳng) được bảo quản, 50 chiếc/loại.
- Hồ sơ mẫu bánh, ngày, giờ được sản xuất và có xác nhận của công ty rõ ràng.
- 4 công thức kéo dài thời hạn sử dụng của 4 loại bánh truyền thống.
- Hướng dẫn kỹ thuật bảo quản 4 loại bánh.
- Báo cáo kết quả các chuyên đề nghiên cứu.
- 2 bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín (Tạp chí khoa học và công nghệ trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và Bộ Công thương).
- Hướng dẫn 2 em sinh viên khoa Hóa làm khóa luận tốt nghiệp.
- Xây dựng hồ sơ đăng ký các giải pháp hữu ích.
Hình 1: Sản phẩm bánh nẳng và bánh dày được bảo quản
Bằng việc sử dụng các phụ gia thực phẩm, nằm trong danh mục các phụ gia được sử dụng do Bộ Y tế cấp phép, nhóm nghiên cứu đã áp dụng để kéo dài thời hạn sử dụng của 4 loại bánh truyền thống làng Dòng, trong đó bánh nẳng và bánh gai có thời hạn bảo quản lên đến 8 ngày, bánh đúc, bánh dày có thời hạn bảo quản là 5 ngày. Những công nghệ và công thức bảo quản các loại bánh đã được nhóm nghiên cứu chuyển giao cho bà con tại làng Dòng thông qua buổi tập huấn được tổ chức vào tháng 4 vừa qua. Các biên bản chuyển giao công nghệ với công ty làng Dòng rõ ràng, danh sách tập huấn cho 50 hộ dân được thể hiện chi tiết.
Hình 2: PGS. TS. Vũ Minh Tân – Tổ trưởng tổ nghiệm thu sản phẩm phát biểu tại buổi nghiệm thu
Qua đánh giá của tổ thẩm định sản phẩm, sản phẩm dạng 1 của nhóm nghiên cứu về mặt số lượng, khối lượng và chủng loại đã đạt theo yêu cầu. Có đầy đủ xác nhận từ phía công ty, các phiếu kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đạt yêu cầu. Sản phẩm dạng 2 bao gồm các báo cáo nội dung chuyên đề đầy đủ so với nội dung đăng ký trong thuyết minh đề tài. Sản phẩm dạng 3 gồm các bài báo khoa học đã được đăng tải trên các tạp chí khoa học và công nghệ uy tín, báo cáo tổng kết nội dung đề tài được trình bày khoa học và công phu. Kết luận tại phiên họp nghiệm thu sản phẩm, tổ thẩm định thống nhất các sản phẩm đề tài đạt được đúng so với yêu cầu của thuyết minh đề tài, số lượng và chất lượng đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu đặt hàng.
Hình 3: Thành viên trong tổ thẩm định kiểm tra các sản phẩm bánh truyền thống
Tại phiên họp thứ 2 – nghiệm thu cấp cơ sở, nhóm nghiên cứu cho biết xuất phát từ thực tiễn sản xuất các loại bánh truyền thống tại làng Dòng, hàng ngày có từ 10 – 15% sản phẩm bánh hư hỏng do không bán hết, gây ảnh hưởng đến năng suất cũng như chi phí sản xuất. Từ đó nhu cầu nâng cao thời hạn sử dụng bánh ngày một cấp bách. Nắm bắt được tình hình trên, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu và xây dựng được các công thức và quy trình bảo quản 4 loại bánh; Công thức phụ gia phối hợp; Kết quả sản xuất thử nghiệm; Kết quả phân tích chất lượng bánh sau bảo quản; Xác định thời hạn sử dụng bánh.
Hình 4: TS. Hoàng Thanh Đức báo cáo kết quả nghiên cứu trước hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở
Sau khi áp dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất các loại bánh truyền thống tại làng Dòng, qua đánh giá hiệu quả sử dụng cũng như tính kinh tế cho từng loại bánh, nhận thấy giá trị sử dụng tăng rõ rệt, đã giảm tỷ lệ bánh hư hỏng sau chế biến, nâng cao thời hạn sử dụng bánh, mở rộng thị trường tiêu thụ bánh, từ đó nâng cao năng suất, tăng hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp.
Tổng kết buổi nghiệm thu, PGS. TS. Phạm Văn Bổng cùng các thành viên trong hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao các kết quả nghiên cứu của nhóm. Các sản phẩm nghiên cứu của đề tài đầy đủ cả về số lượng, chủng loại và chất lượng bám sát so với đăng ký. Kết quả nghiên cứu thu được đã giải quyết vấn đề còn bất cập trong khâu bảo quản và tiêu thụ các loại bánh truyền thống của làng Dòng. Đồng thời, trong phiên họp hội đồng nghiệm thu cũng cho các ý kiến đóng góp giúp nhóm nghiên cứu hoàn thiện nội dung nghiên cứu thêm phần chỉn chu hơn. Nhóm nghiên cứu đã ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng từ hội đồng, tiến hành bổ sung và hoàn thiện hồ sơ đề tài trước khi nghiệm thu cấp tỉnh trong thời gian tới.
Thứ Bảy, 09:10 02/07/2022
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.