Nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh Nam Định
Sáng ngày 28/6/2022, Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2021 với đề tài “Nghiên cứu đánh giá ô nhiễm nước thải làng nghề cơ khí và thiết kế xây dựng mô hình thí điểm hệ thống xử lý nước thải cơ khí xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định” do TS. Phạm Hương Quỳnh làm chủ nhiệm. Buổi nghiệm thu do Ông Trần Huy Quang – Phó Giám đốc Sở làm chủ tịch, cùng các thành viên trong hội đồng nghiệm thu, Giám đốc doanh nghiệp Tân Việt và nhóm nghiên cứu tham dự.
Làng nghề Xuân Tiến là một trong 19 xã thuộc huyện Xuân Trường, tập trung sản xuất cơ khí, chế biến nông lâm sản và dịch vụ. Trong đó có 642 cơ sở sản xuất với 25 công ty, 338 hộ sản xuất cơ khí và 1800 lao động tham gia làng nghề. Tại đây, do mật độ dân số đông, các loại chất thải rắn, lỏng, khí chưa được thu gom một cách khoa học, ý thức của người dân chưa cao, nước thái sản xuất, sinh hoạt thải trực tiếp ra sông khiến cho môi trường nước mặt đang là mối lo ngại lớn của huyện và xã do mùi hôi thối gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân.
Hình 1: TS. Phạm Hương Quỳnh – Chủ nhiệm đề tài, báo cáo các kết quả nghiên cứu đạt được trước hội đồng nghiệm thu
Dựa trên thực trạng đó, đề tài “Nghiên cứu đánh giá ô nhiễm nước thải làng nghề cơ khí và thiết kế xây dựng mô hình thí điểm hệ thống xử lý nước thải cơ khí xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định” được thực hiện với sự phối hợp của UBND xã Xuân Tiến nhằm đạt được một số mục tiêu như sau:
- Đánh giá được mức độ ô nhiễm nước làng nghề Xuân Tiến, Xuân trường, Nam Định.
- Xây dựng các giải pháp quản lý, kỹ thuật nhằm cải thiện môi trường nước làng nghề nghề Xuân Tiến, Xuân trường, Nam Định.
- Thiết kế xây dựng mô hình Q=1m3/nđ thí điểm xử lý nước thải làng nghề.
Qua đánh giá, khảo sát và phân tích cho thấy tổng lượng nước thải của toàn xã khoảng 2200 - 2500m3/nđ. Trong đó nước thải sản xuất chiếm 20-30% (50% là nước thải phi cơ khí). Còn lại 70-80% là nước thải sinh hoạt. Nước thải của các hộ gia đình không phân dòng, hòa chung các dòng thải và thải ra cống chung. Nước thải có COD cao từ 83-924 mg/l BOD5 42-598 mg/l, TN và TP. Phần lớn kim loại hòa tan đều không vượt quá ngưỡng cho phép. Có thể do dòng thải cơ khí nhỏ mà đã hòa ta trong nước thải khác. 98% hộ gia đình xả nước trực tiếp ra nguồn tiếp nhận.
Điểm WQI có ¾ mẫu nước mặt có giá trị trên 70 có thể phục vụ cho mục đích tưới tiêu. Một mẫu có giá trị WQI 49,4 có màu cam, chất lượng nước này chỉ có thể phục vụ cho mục đích giao thủy. Nước ngầm có 01 mẫu có nồng độ Cl- và Mn lần lượt vượt quá QCVN 09-MT 2015/BTNMT là 3,56 lần và 1,68 lần, đây có thể do địa chất. Từ các kết quả phân tích trên cho thấy nước mặt trên địa bàn xã bắt đầu có nguy cơ ô nhiễm, cần có giải pháp khắc phục để bảo vệ nguồn nước trên địa bàn.
Qua đánh giá môi trường nước làng nghề cơ khí xã Xuân Tiến, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp bao gồm giải pháp về quản lý và giải pháp về kỹ thuật nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước tại làng nghề. Đồng thời cũng đã thiết kế thành công mô hình thí điểm xử lý nước thải làng nghề đặt tại doanh nghiệp thụ hưởng Tân Việt. Ngày 5/5/2022 nhóm nghiên cứu đã ký và bàn giao hệ thống xử lý nước thải lại cho doanh nghiệp dưới sự chứng kiến của sở KH&CN Nam Định.
Hình 2: Mô hình thí điểm xử lý nước thải làng nghề
Hình 3: Lắp đặt, vận hành và chạy thử nghiệm hệ thống tại doanh nghiệp Tân Việt
Sau 7 ngày lắp đặt, vận hành và chạy thử nghiệm các thông số đã đạt yêu cầu xả thải. Sau 15-20 ngày hệ thống ổn định đạt QCVN 40:2011/BTNMT (cột A).
Bảng 1: Thống số nước thải sau xử lý
Kết luận tại buổi nghiệm thu, Ông Trần Huy Quang – Phó Giám đốc Sở đã đánh giá cao các kết quả nghiên cứu của nhóm đạt được trong thời gian vừa qua. Đề tài đã đánh giá được mức độ ô nhiễm nước tại làng nghề xã Xuân Tiến – huyện Xuân Trường – tỉnh Nam Định và mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm nước thải tới con người. Đã đưa ra được một số giải pháp quản lý, kỹ thuật để giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại địa phương. Thiết kế, chế tạo thành công mô hình xử lý nước thải làng nghề với Q=1m3/ngày đêm đặt tại doanh nghiệp thụ hưởng. Chi phí đầu tư cho hệ thống là 73 triệu đồng và chi phí xử lý nước thải từ 7.700-8.000đ/1-2 m3. Nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn cột A QCVN 40:2011/BTNMT. Các kết quả thu được từ đề tài, có thể nhân rộng cho các đơn vị, doanh nghiệp trong địa bàn. Đây được coi là một trong các đề tài tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cần được phát huy và phổ cập tới các làng nghề, khu công nghiệp trong thời gian tới.
Thứ Sáu, 08:56 01/07/2022
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.