Nghiệm thu cơ sở đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh Hòa Bình
Việc sử dụng các chế phẩm sinh học có nguồn gốc tự nhiên để tạo màng bảo quản nông sản thực phẩm là một hướng đi mới hiện nay trên thế giới và trong nước, góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, tiết kiệm được chi phí trong quá trình bảo quản. Công nghệ bảo quản bằng màng sinh học saponin kết hợp với chitosan và axit axetic trước đây đã được nhóm nghiên cứu thực hiện thành công cho quả quýt (Trà Lĩnh – tỉnh Cao Bằng), quả xoài, nhãn, mận (tỉnh Sơn La). Trong đề tài này, phương pháp bảo quản được nghiên cứu áp dụng cho đối tượng là quả Cam (Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) với những đặc điểm về cơ lý và hóa sinh riêng.
Chiều ngày 18/3/2020, Tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Hội đồng khoa học của trường đã tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: “Nghiên cứu xây dựng quy trình bảo quản cam Cao Phong tại tỉnh Hòa Bình bằng màng phủ sinh học (saponin kết hợp với chitosan và axit axetic)”, PGS.TS Nguyễn Văn Lợi làm chủ nhiệm. Hội đồng nghiệm thu do PGS.TS Phạm Văn Bổng làm chủ tịch hội đồng.
ThS. Nguyễn Huy Kiên, thư ký hành chính đọc quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu
Phần thứ nhất, đại diện cho nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài, PGS.TS. Nguyễn Văn Lợi trình bày tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ trước hội đồng nghiệm thu. Đề tài đã hoàn thành đầy đủ các nội dung nghiên cứu theo đúng hợp đồng và thuyết minh đã được phê duyệt.
Đã xác định được một số đặc điểm cơ lý và chỉ tiêu hóa sinh của quả cam Cao Phong trước khi đưa vào bảo quản
Chọn phương pháp nhúng để tạo màng bảo quản quả cam Cao Phong
Chọn công thức CT-4 với hàm lượng 1,5% chế phẩm sinh học để xây dựng quy trình bảo quản
Xây dựng được quy trình công nghệ bảo quản quả cam Cao Phong (giống V2 và giống CS1) ở điều kiện nhiệt độ thường, với tỷ lệ 125g saponin/ 1.000g chitosan/ 500ml axit axetic/ 50.000ml nước, sử dụng cho 1.000kg quả cam.
Xây dựng được 2 mô hình bảo quản quả cam Cao Phong.
Đánh giá hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, môi trường của quy trình công nghệ bảo quản quả cam Cao Phong.
Đã tổ chức 01 lớp tập huấn kỹ thuật và 01 hội thảo khoa học
Từ kết quả nghiên cứu của đề tài, nhóm nghiên cứu sẽ chuyển giao quy trình công nghệ bảo quản cam Cao Phong bằng màng phủ sinh học saponin kết hợp với chitosan và axit axetic cho Hội trồng cam thị trấn Cao Phong và một số doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại trồng cam, sản xuất cam có nhu cầu.
PGS.TS Nguyễn Văn Lợi, CNĐT báo cáo kết quả nghiên cứu trước HĐ nghiệm thu
Phần thứ hai, các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu đã lần lượt đưa ra những ý kiến nhận xét, góp ý cho nhóm nghiên cứu:
Mô hình bảo quản cam Cao Phong bằng màng phủ sinh học saponin kết hợp với chitosan và axit axetic tại tỉnh Hòa Bình, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao; mô hình có giá thành thấp, đơn giản dễ áp dụng với nhiều quy mô. Đề tài này nên phát triển thành dự án ứng dụng để có thể phổ biến nhân rộng quy trình công nghệ bảo quản này đến tận tay người dân trồng cam không chỉ ở Hòa Bình mà còn ở các tỉnh khác trong nước; Các báo cáo phân tích phản ánh đầy đủ các kết quả nghiên cứu của đề tài, từ thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch.
Tuy nhiên chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu nên kiểm tra lại bản báo cáo có một số nội dung bị trùng lặp, tài liệu tham khảo nên update mới cho phù hợp với nghiên cứu hiện nay, nhiều bảng nên chuyển thành hình ảnh cho sinh động...
Hội đồng nghiệm thu đánh giá kết quả nghiên cứu của đề tài: Đạt yêu cầu, và yêu cầu chủ nhiệm cùng nhóm thực hiện chỉnh sửa báo cáo tổng kết, bổ sung kết quả theo ý kiến của hội đồng để hoàn thiện hồ sơ trước khi tiến hành nghiệm thu cấp tỉnh.
Thứ Sáu, 14:58 20/03/2020
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.