Nghiệm thu cấp trường đề tài NCKH: “Nghiên cứu xử lý nước ngầm ô nhiễm Amoni và Asen bằng phương pháp lọc sinh học sử dụng xơ mụn dừa kết hợp thực vật”
Chiều ngày 20/4/2023, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức nghiệm thu đề tài NCKH cấp trường được thực hiện từ năm 2021: “Nghiên cứu xử lý nước ngầm ô nhiễm Amoni và Asen bằng phương pháp lọc sinh học sử dụng xơ mụn dừa kết hợp thực vật” do TS. Đỗ Thị Cẩm Vân, Viện Công nghệ HaUI làm chủ nhiệm. Buổi nghiệm thu do PGS. TS. Vũ Minh Tân, Phó trưởng phòng Phòng Khoa học Công nghệ làm chủ tịch. Với sự tham gia đông đủ của các thành viên trong hội đồng nghiệm thu và thành viên nhóm đề tài.
Hình 1: TS. Đỗ Thị Cẩm Vân, chủ nhiệm đề tài báo cáo các kết quả nghiên cứu của nhóm trước hội đồng nghiệm thu
Sau hơn một năm triển khai và thực hiện, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành các nội dung công việc không những đủ mà còn có phần vượt chỉ tiêu so với đăng ký trong thuyết minh đề tài, cụ thể như sau:
+ Đã tổng quan, thu thập tài liệu trong và ngoài nước có liên quan đến đề tài, xây dựng đề cương chi tiết.
+ Đánh giá hiện trạng nước ngầm ô nhiễm amoni và asen tại một số tỉnh trong nước.
+ Tiền xử lý vật liệu xơ mụn dừa, trồng cây thủy sinh trên giá thể xơ dừa.
+ Khảo sát các điều kiện xử lý amoni, asen trong nước ngầm bằng vật liệu xơ mụn dừa.
+ Đánh giá hiệu quả xử lý amoni, asen trong nước ngầm sử dụng xơ mụn dừa kết hợp thực vật.
+ Đề xuất sơ đồ quy trình công nghệ xử lý nước ngầm ô nhiễm amoni và asen nhằm đạt hiệu quả cấp nước sinh hoạt theo tiêu chuẩn hiện hành.
+ Xây dựng được mô hình hệ thống xử lý quy mô pilot.
+ Công bố 01 bài báo quốc tế uy tín ISI, Q3 SCIE.
Hình 2: TS. Phan Quang Thăng, ủy viên phản biện 1 nhận xét các kết quả nghiên cứu của đề tài
TS. Phan Quang Thăng, Trưởng phòng phân tích độc chất môi trường, Viện CNMT, Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam, ủy viên phản biện 1 cho biết, mặc dù thầy đã ngồi rất nhiều hội đồng nghiệm thu các cấp, bộ, ngành nhưng đối với hội đồng nghiệm thu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội ngày hôm nay thầy đánh giá rất cao chất lượng và giá trị khoa học mà đề tài đem lại. Với nguồn kinh phí cấp cho đề tài triển khai còn hạn hẹp và thời gian thực hiện ngắn, tuy nhiên nhóm nghiên cứu đã rất cố gắng, thể hiện ở việc đã công bố được 01 bài báo quốc tế uy tín ISI, Q3 SCIE, việc này trực tiếp đã nâng tầm cho các kết quả nghiên cứu của đề tài và khẳng định được chất lượng mà đề tài đem lại.
Hình 3: TS. Trần Quang Hải, ủy viên phản biện 2 tham luận trước hội đồng nghiệm thu
Cùng quan điểm với ủy viên phản biện 1, TS. Trần Quang Hải, Khoa Công nghệ Hóa, Trường ĐHCNHN, ủy viên phản biện 2 cũng cho biết thêm, việc áp dụng các kết quả nghiên cứu của đề tài vào thực tiễn, đặc biệt là các hộ dân vẫn sử dụng nước giếng khoan cho sinh hoạt hàng ngày là rất cần thiết. Tại các vùng nông thôn còn khó khăn, đặc biệt các vùng có hàm lượng Amoni và Asen trong nước ngầm cao nên sử dụng phương pháp xử lý nước bằng lọc sinh học sử dụng xơ mụn dừa kết hợp trồng cây dương xỉ Java và cột lọc mangan để có hiệu quả xử lý nước tốt nhất, nhằm cung cấp nguồn nước sạch phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.
Tổng kết phiên họp nghiệm thu đề tài cấp trường, PGS. TS. Vũ Minh Tân, chủ tịch hội đồng cùng các thành viên trong hội đồng đều đánh giá cao các kết quả nghiên cứu của nhóm đạt được trong hơn một năm triển khai thực hiện đề tài. Với nguồn kinh phí còn eo hẹp, thời gian thực hiện ngắn, nhưng nhóm đã rất cố gắng hoàn thành tốt các nội dung công việc theo hợp đồng và thuyết minh đề tài. Đặc biệt nhóm đã công bố được 01 bài báo quốc tế uy tín ISI, Q3 SCIE trên cơ sở áp dụng những kết quả thu được từ đề tài, qua đó khẳng định được giá trị khoa học mà đề tài đem lại đã được quốc tế ghi nhận. Đồng thời, các thành viên trong hội đồng cũng đóng góp những ý kiến và câu hỏi tham luận để nhóm đề tài hoàn thiện báo cáo tổng kết cho đầy đủ hơn trước khi nộp các sản phẩm hoàn chỉnh về nhà trường. Cuối cùng, toàn thể thành viên trong hội đồng nghiệm thu thống nhất đánh giá xếp loại: Khá.
Thứ Sáu, 09:28 21/04/2023
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.