Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, với sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều ứng dụng trong xã hội. Viện Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JAIST) với vai trò là một trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Nhật Bản và trên thế giới, hiện đang mở rộng hợp tác nghiên cứu theo chiều sâu về Robot, bao gồm các lĩnh vực liên quan tới Cơ điện tử, Điện tử - Điều khiển, Công nghệ Vật liệu mới và trí tuệ nhân tạo.
Với mục đích trao đổi học thuật, tìm kiếm cơ hội hợp tác về lĩnh vực này, sáng 8/03/2018 Viện Công nghệ HaUI đã tổ chức Hội thảo: Giới thiệu về Nghiên cứu Robot tại Viện JAIST-Nhật Bản, và thảo luận về cơ hội hợp tác đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực Robotics. Buổi Hội thảo thu hút được đông đảo các nhà khoa học, giảng viên, các em sinh viên trong các lĩnh vực Cơ khí, Điện, Điện tử, CNTT tham gia.
PGS. Hồ Anh Văn trình bày báo cáo tại hội thảo
Tại hội thảo, PGS. Hồ Anh Văn, phụ trách phòng nghiên cứu về Soft Haptics tại Viện JAIST, giới thiệu về viện JAIST và các chương trình hợp tác với nước ngoài. Viện JAIST là Viện đào tạo sau đại học quốc lập đầu tiên tại Nhật Bản, với mục tiêu tạo môi trường nghiên cứu và giáo dục cho những người làm chủ khoa học và công nghệ cho xã hội trong tương lai. Tiếp đó PGS. Hồ Anh Văn giới thiệu tổng quát về các lĩnh vực nghiên cứu đa dạng, từ công nghệ vật liệu, công nghệ thông tin, điện tử, điều khiển, trí tuệ nhân tạo và các trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu. Với công trình nghiên cứu của mình là Soft Robotic, khác với công nghệ Robot “cứng” truyền thống với những cử động thiếu tự nhiên và không linh hoạt thì Soft Robotic hay còn gọi là Robot “mềm” là công nghệ kết nối robot với các hệ thống và cơ cấu truyền động silicone dẻo. Công nghệ này có khả năng hỗ trợ robot quan sát, cảm nhận và điều khiển hệ thống thực hiện các thao tác kỹ thuật tốt hơn so với Robot “cứng”. Điều này sẽ giải quyết được những khó khăn trong tương lai khi con người phải tạo nên một loại robot linh hoạt, mềm dẻo có thể bắt chước được những cử động như con người và mang tính ứng dụng cao.
Các hoạt động nghiên cứu về Robot tại ĐHCN Hà Nội rất sôi nổi và luôn nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, giảng viên, sự ủng hộ của lãnh đạo Nhà trường. TS. Phạm Văn Hà, – trưởng bộ môn Hệ thống Thông tin, khoa CNTT, thay mặt nhóm nghiên cứu giới thiệu về đề tài cấp Nhà nước“Nghiên cứu thiết kế, chế tạo cánh tay robot có ứng dụng thực tại ảo phục hồi chức năng vận động của chi trên cho bệnh nhân sau đột quỵ não” do Trường ĐH Công nghiệp chủ trì. Đột quỵ não là một tình trạng tổn thương rất nghiêm trọng có thể do chảy máu não hoặc thiếu máu não. Các bệnh nhân sau đột quỵ cần phải được điều trị, tập luyện để phục hồi chức năng và cánh tay robot có tích hợp thực tại ảo hoàn toàn có tính ứng dụng cao trong việc này. Cánh tay robot có cấu trúc giống với cấu trúc xương của chi trên. Mỗi đoạn chi tương ứng với một chuyển động khớp được gắn với khâu tương ứng của cánh tay robot. Công nghệ thực tại ảo được tích hợp nhằm tạo ra các bài tập luyện dưới dạng các trò chơi hay các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Nhờ đó bệnh nhân sẽ cảm thấy thú vị, thích thú và tích cực, chủ động tham gia vào tập luyện. Các bài tập luyện được thiết kế phải đáp ứng một số kiểu tập luyện phục hồi chức năng cơ bản cho chi trên đã được Bộ Y tế ban hành với các bài tập được chọn theo các mức từ dễ đến khó như: Vận động từng khớp riêng rẽ; Thực hiện các động tác phối hợp các khớp, với tới điểm nhất định trên và ngoài cơ thể, thực hiện thao tác trong sinh hoạt hàng ngày, nâng được vật nặng ít nhất 01kg.
TS. Trịnh Trọng Chưởng phát biểu ý kiến tại hội thảo
Các bài trình bày đã nhận được rất nhiều câu hỏi, ý kiến thảo luận của các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên tham gia. Hai bên cũng trao đổi thảo luận về hướng hợp tác trong trao đổi giảng viên, sinh viên, tham gia các dự án nghiên cứu chung. Đặc biệt, JAIST sẵn sàng tiếp nhận các học viên đủ điều kiện sang theo học các chương trình Master, Ph.D. tại Nhật Bản.
Thay mặt Viện CN HaUI, TS. Trịnh Trọng Chưởng gửi lời cảm ơn tới PGS. Hồ Ang Văn, TS. Phạm Văn Hà đã trình bày các vấn đề khoa học tại hội thảo, dành thời gian chia sẻ và trao đổi những kiến thức quý báu của mình. Đồng thời cảm ơn các nhà khoa học, giảng viên đã tới tham gia và đóng góp những ý kiến thảo luận sôi nổi và bổ ích. Buổi hội thảo thành công tốt đẹp, hứa hẹn sự hợp tác nghiên cứu khoa học công nghệ và các lĩnh vực khác trong tương lai giữa các nhà khoa học, giảng viên hai bên.
Thứ Năm, 10:03 22/03/2018
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.