Chế biến, bảo quản là một trong những hướng nghiên cứu trọng tâm của Viện Công nghệ HaUI với nhiều đề tài các cấp đã và đang được triển khai tại Viện do phòng CNSH-CBTP chủ trì.
Ngày 27/12/2017, trong khuôn khổ thực hiện Đề tài “Ứng dụng saponin kết hợp với chitosan và axit axetic tạo màng sinh học, nhằm kéo dài thời gian bảo quản và giữ được các đặc tính đặc trưng của quả quýt tỉnh Cao Bằng”, nhóm nghiên cứu do TS Nguyễn Văn Lợi, Trưởng phòng CNSH-Thực phẩm (Viện Công nghệ HaUI), chủ nhiệm đề tài phụ trách đã có chuyến công tác thực tế, làm việc tại tỉnh Cao Bằng. Đây là đề tài được Tỉnh Cao Bằng xét chọn và tiến hành thực hiện trong thời gian 24 tháng, bắt đầu từ 12/2017. Giám đốc Sở KHCN Hoàng Giang đã đón tiếp và làm việc với nhóm NC.
Cao Bằng là tỉnh miền núi có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nhưng chính sự khắc nghiệt đó, cùng với sự tiến hoá tự nhiên đã góp phần làm nên hương vị cho nhiều giống cam quýt của tỉnh như cam Trưng Vương và Quýt Hà Trì, quýt Trà Lĩnh…. trở thành cây trồng mũi nhọn của nhiều địa phương trong tỉnh, mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao. Thay mặt tỉnh, đ/c Hoàng Giang đã đánh giá cao ý nghĩa thực tiễn của đề tài: việc kéo dài thời gian bảo quản và giữ được các đặc tính đặc trưng của quả quýt tỉnh Cao Bằng mang một ý nghĩa rất quan trọng, giúp người dân tránh được hiện tượng được mùa mất giá, góp phần nâng cao giá trị cho quả quýt Cao Bằng, qua đó gia tăng thu nhập và ổn định cuộc sống cho người nông dân.
Trong chuyến công tác, nhóm nghiên cứu đã thăm và làm việc tại HTX Quýt Quang Hán, huyện Trà Lĩnh, nơi sẽ trực tiếp triển khai các nội dung nghiên cứu thực nghiệm của đề tài. Chủ tịch UBND xã ông Hoàng Văn Dương đã tiếp đón và trực tiếp đưa nhóm nghiên cứu tham quan khu vườn trồng quýt của xã. Ông cho biết, trong những năm gần đây, cam quýt tại đây ngày càng có giá trị cao trên thị trường, góp phần nâng cao đời sống của nông dân và là cây làm giàu cho nhiều hộ gia đình trong vùng, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên việc thu hoạch, vận chuyển, đóng gói, bảo quản quả quýt, ở nước ta hiện nay chủ yếu vẫn là biện pháp thủ công, nhỏ lẻ, không tập trung; công nghệ xử lý, bảo quản phần lớn vẫn theo phương pháp truyền thống với quy mô nhỏ, chi phí bảo quản cao. Vì vậy việc nghiên cứu nhằm kéo dài thời gian bảo quản và giữ được các đặc tính đặc trưng cho quả quýt tại tỉnh Cao Bằng là rất cần thiết và thực sự có ích, mang lại hiệu quả đối với bà con nông dân.
Quýt Trà Lĩnh, Cao Bằng
TS. Nguyễn Văn Lợi chia sẻ: đề tài sử dụng các chế phẩm sinh học có nguồn gốc tự nhiên để tạo màng bảo quản nông sản thực phẩm là một hướng đi mới hiện nay trên thế giới và trong nước, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường, tiết kiệm được chi phí trong quá trình bảo quản. Công nghệ bảo quản quả quýt bằng màng sinh học saponin kết hợp với chitosan và axit axetic được thực hiện trong điều kiện môi trường tự nhiên, do đó tiết kiệm được các chi phí trong quá trình bảo quản và áp dụng được ở nhiều quy mô như quy mô công nghiệp, quy mô trang trại, quy mô gia đình, với giá thành chỉ bằng 60- 65% so với phương pháp bảo quản lạnh. Đặc biệt đây là màng sinh học, ăn được do đó đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.
TS. Nguyễn Văn Lợi (phải) và ông Hoàng Văn Dương tại vườn Quýt Trà Lĩnh
Kết thúc chuyến công tác, ông Hoàng Văn Dương đánh giá cao mục tiêu và ý nghĩa của đề tài, quyết tâm của nhóm nghiên cứu mặc dù điều kiện xa xôi nhưng đã rất nhiệt tình mang KHCN áp dụng vào sản xuất. Đề tài có khả năng ứng dụng cao và hoàn toàn phù hợp với điều kiện sẵn có của địa phương. Đại diện cho nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Văn Lợi khẳng định kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ được chuyển giao cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Lĩnh và một số cơ sở khác, phù hợp với điều kiện sản xuất, bảo quản của các cơ sở, theo sự thỏa thuận giữa hai bên.
Nhóm nghiên cứu cũng đã mang mẫu quýt về để bắt đầu triển khai đề tài, đảm bảo đúng thời hạn.
Thứ Sáu, 13:50 19/01/2018
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.