Nghiệm thu đề tài nhánh, đề tài cấp Nhà nước thuộc chương trình Công nghệ Sinh học trong Công nghiệp Chế biến giai đoạn 2010-2020
Chiều ngày 23/12/2020, Tại phòng họp tầng 4, nhà A1, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Hội đồng nghiệm thu đã tiến hành đánh giá cấp cơ sở hợp đồng thực hiện nhánh số 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước: “Nghiên cứu công nghệ sản xuất sinh khối nấm Thượng hoàng (Phellinus linteus) và ứng dụng để sản xuất thực phẩm chức năng”
Hội đồng gồm 5 thành viên. PGS.TS. Nguyễn Quang Tùng là chủ tịch hội đồng. Đây là đề tài thuộc Chương trình Công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến do Thủ tướng phê duyệt cho giai đoạn 2010-2020, Bộ Công Thương quản lý và tổ chức thực hiện; Viện công nghệ sinh học - Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì và Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội triển khai một nhánh. Chủ nhiệm đề tài nhánh là PGS.TS. Phạm Đức Cường – Viện Công nghệ HaUI.
TS. Hoàng Thanh Đức báo cáo trước Hội đồng nghiệm thu
Tại buổi nghiệm thu, PGS. TS. Phạm Đức Cường trình bày vắn tắt các nội dung thực hiện của đề tài nhánh do Trường thực hiện.
Đề tài nhánh gồm một số nội dung chính sau:
- Nghiên cứu, tách chiết một số hoạt chất sinh học có ích từ sinh khối của quá trình lên men và từ quả thể tự nhiên của nấm Thượng Hoàng, một loại nấm dược liệu quý được đánh giá là có nhiều hoạt chất sinh học có khả năng hỗ trợ điều trị, ức chế tế bào ung thư và một số bệnh nan y khác.
- Xây dựng các quy trình tách chiết đối với từng hoạt chất, làm cơ sở để triển khai trên quy mô công nghiệp, sản xuất một số thực phẩm chức năng dạng trà túi lọc và bột uống hòa tan;
- Nghiên cứu tính toán, thiết kế, xây dựng mô hình một hệ thống lên men liên hoàn 3 cấp tới 350 lít/mẻ, phục vụ quá trình lên men, sản xuất sinh khối nấm ở quy mô bán công nghiệp.
Thay mặt nhóm nghiên cứu về tách chiết, TS. Hoàng Thanh Đức đã trình bày nội dung thực hiện tại Trường, nghiên cứu tách chiết 7 hoạt chất sinh học; đưa ra được các quy trình tách chiết riêng đối với từng hoạt chất, đảm bảo hiệu suất thu hồi. Trên cơ sở các quy trình này, chuyển giao cho đơn vị chủ trì là Viện Công nghệ Sinh học để bàn giao cho doanh nghiệp, tiến hành lên men tạo sinh khối để làm nguyên liệu phục vụ sản xuất một số thực phẩm chức năng.
Hiện nay các thiết bị lên men phục vụ nghiên cứu và sản xuất làm việc có tính chất đơn lẻ. Quá trình lên men chuyển giống để nhân lên các cấp lớn hơn được thực hiện thủ công, dẫn đến khả năng bị nhiễm khuẩn rất cao, làm hỏng toàn bộ sinh khối. Hệ thống lên men liên hoàn khép kín sẽ giúp hạn chế và giảm thiểu các ảnh hưởng từ quá trình thao tác thủ công, nâng cao khả năng thành công, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế. Tại Việt Nam chưa có đơn vị nào nghiên cứu để thiết kế, chế tạo hệ thống lên men liên hoàn tự động. Nhóm nghiên cứu thuộc Viện công nghệ HaUI và khoa Cơ khí đã tính toán thiết kế, từ đó xây dựng mô hình lên men liên hoàn có quy mô 350l/mẻ với quá trình tiếp giống và lên men được thực hiện tự động và kiểm soát, chuyển giao cho công ty MITECOM để tích hợp các thiết bị đơn lẻ và thực hiện lên men phục vụ đề tài.
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên hội đồng đánh giá cao các công việc mà nhóm đã thực hiện, khối lượng công việc lớn. Nhóm nghiên cứu đã hoàn thành đầy đủ các nội dung đăng ký trong hợp đồng. Sản phẩm đáp ứng đầy đủ về số lượng và chất lượng. Các số liệu trong báo cáo chuyên đề, báo cáo phân tích chính xác, có độ tin cậy cao. Hội đồng cũng trao đổi, thảo luận và đặt các câu hỏi để làm rõ hơn về các nội dung nghiên cứu đã thực hiện và đóng góp ý kiến để hoàn thiện các hồ sơ và báo cáo tổng kết phục vụ nghiệm thu đề tài các cấp.
Hội đồng đánh giá kết quả thực hiện của đề tài nhánh là: Đạt yêu cầu.
Thứ Ba, 08:42 05/01/2021
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.