Viện Công nghệ HaUI tổ chức Hội thảo khoa học về ứng dụng công nghệ chế biến cá nước ngọt hồ thủy điện Hòa Bình
Sáng ngày 14/01/2025, tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình, Viện Công nghệ HaUI đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong chế biến một số sản phẩm từ cá nước ngọt hồ thủy điện Hòa Bình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương".
Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp, nhằm thảo luận và chia sẻ các giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm từ cá nước ngọt, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương.
Phát biểu tại lễ khai mạc, PGS. TS. Phạm Đức Cường, Viện trưởng Viện Công nghệ HaUI, nhấn mạnh: "Hồ thủy điện Hòa Bình là một nguồn tài nguyên thủy sản phong phú và quý giá. Tuy nhiên, việc khai thác và chế biến các sản phẩm từ cá nước ngọt vẫn còn nhiều hạn chế. Hội thảo hôm nay không chỉ là dịp để chia sẻ kinh nghiệm mà còn là cơ hội để các nhà khoa học, doanh nghiệp và cơ quan quản lý cùng tìm kiếm giải pháp đột phá, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện đời sống người dân vùng hồ thủy điện". Ông cũng bày tỏ kỳ vọng rằng các báo cáo tham luận và ý kiến trao đổi tại Hội thảo sẽ tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào thực tiễn.
Hình 1: PGS. TS. Phạm Đức Cường, Viện trưởng Viện Công nghệ HaUI, phát biểu khai mạc Hội thảo
Các tham luận chính tại Hội thảo:
1. Điều tra thị hiếu người tiêu dùng đối với các sản phẩm có khả năng phát triển từ cá nước ngọt hồ thủy điện Hòa Bình: Nghiên cứu tập trung phân tích nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng, định hướng phát triển các sản phẩm từ cá nước ngọt để đáp ứng thị trường.
2. Quy trình chế biến và bảo quản cá tẩm ướp gia vị sấy dẻo đạt tiêu chuẩn ATVSTP: Tham luận giới thiệu công nghệ chế biến hiện đại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, kéo dài thời gian bảo quản và nâng cao giá trị sản phẩm.
3. Quy trình chế biến và bảo quản chả cá: Trình bày quy trình sản xuất chả cá chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và thị hiếu người tiêu dùng.
4. Quy trình chế biến và bảo quản ruốc cá: Giới thiệu phương pháp chế biến ruốc cá với hương vị đặc trưng, đảm bảo dinh dưỡng và độ an toàn trong bảo quản.
5. Quy trình chế biến và bảo quản cá hộp không thanh trùng: Công nghệ mới giúp bảo quản sản phẩm lâu dài mà không cần qua quá trình thanh trùng, giảm chi phí sản xuất.
6. Quy trình chế biến và bảo quản cá kho tộ: Nghiên cứu cải tiến quy trình chế biến cá kho tộ nhằm giữ được hương vị truyền thống, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.
Hình 2: ThS. Nguyễn Thị Thu, Viện Công nghiệp thực phẩm, trình bày báo cáo tham luận Quy trình chế biến và bảo quản cá kho tộ
Hình 3: PGS. TS. Nguyễn Quang Tùng, Viện Công nghệ HaUI, trình bày báo cáo tham luận Điều tra thị hiếu người tiêu dùng đối với các sản phẩm có khả năng phát triển từ cá nước ngọt hồ thủy điện Hòa Bình
Phần thảo luận và trao đổi
Trong phần thảo luận, các đại biểu đã tích cực đóng góp ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến việc phát triển sản phẩm từ cá nước ngọt hồ thủy điện Hòa Bình:
Ông Phạm Đức Cường – Viện trưởng Viện Công nghệ HaUI, đã nêu câu hỏi và ý kiến quan trọng về tính ứng dụng của các quy trình công nghệ chế biến cá được trình bày tại Hội thảo: "Các quy trình công nghệ chế biến cá được giới thiệu hôm nay có thể áp dụng cho tất cả các loại cá nước ngọt hay chỉ giới hạn ở một số loại cá cụ thể? Điều này rất quan trọng để xác định tính thực tiễn khi triển khai ở quy mô địa phương, nơi mà nguồn cá nước ngọt có thể thay đổi theo mùa và điều kiện tự nhiên".
Trả lời ý kiến của ông Cường, các chuyên gia trình bày tại Hội thảo giải thích: Một số quy trình, như chế biến ruốc cá, chả cá, hay cá tẩm gia vị sấy dẻo, có thể áp dụng cho nhiều loại cá nước ngọt khác nhau, miễn loại cá đó có cấu trúc thịt và hàm lượng chất béo tương thích. Tuy nhiên, một số quy trình, như chế biến cá kho tộ hoặc cá hộp không thanh trùng, sẽ phù hợp hơn với những loại cá có đặc điểm cụ thể về kích thước, độ béo, hoặc khả năng chịu nhiệt trong quá trình chế biến.
Các nhà khoa học nhấn mạnh thêm, việc lựa chọn loại cá phù hợp là yếu tố quan trọng để tối ưu hóa chất lượng và hiệu quả của sản phẩm đầu ra.
Hội thảo cũng đề xuất việc nghiên cứu sâu hơn về đặc điểm của từng loài cá trong khu vực hồ thủy điện Hòa Bình để mở rộng phạm vi ứng dụng các quy trình công nghệ, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn và đảm bảo hiệu quả kinh tế cao nhất.
Trong phần thảo luận, ông Nguyễn Văn Bảo, đại diện một hợp tác xã thủy sản tại Hòa Bình, đã nêu vấn đề về việc xử lý sản lượng cá tép dầu đang tồn dư lớn tại địa phương do khai thác vượt quá nhu cầu tiêu thụ: "Tại Hòa Bình, cá tép dầu đang là nguồn thủy sản có sản lượng lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả về mặt chế biến và tiêu thụ. Hội thảo lần này liệu có nghiên cứu và đề xuất giải pháp nào để giúp giải quyết vấn đề tồn dư này, hỗ trợ bà con địa phương có đầu ra ổn định hơn không?"
Trả lời ý kiến của ông Bảo, các chuyên gia chia sẻ: "Cá tép dầu là nguồn nguyên liệu quý giá với giá trị dinh dưỡng cao, rất phù hợp để phát triển các sản phẩm chế biến sâu như ruốc cá, bột cá, hoặc dầu cá. Đây cũng là một trong những loại cá nằm trong danh mục nghiên cứu ưu tiên để đưa vào ứng dụng công nghệ chế biến trong thời gian tới". Một số tham luận tại Hội thảo, như quy trình chế biến cá hộp, được khẳng định là có thể áp dụng cho cá tép dầu, giúp tăng giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Kết luận, Hội thảo đã ghi nhận ý kiến của ông Bảo như một vấn đề thực tiễn quan trọng và cam kết sẽ ưu tiên hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ chế biến phù hợp để giúp bà con Hòa Bình giải quyết tình trạng dư thừa sản lượng cá tép dầu.
Tổng kết bế mạc
Hình 4: Các vị đại biểu tham dự chụp ảnh kỷ niệm cùng Ban tổ chức Hội thảo
Kết thúc Hội thảo, PGS. TS. Phạm Đức Cường đã tổng kết: "Hội thảo hôm nay không chỉ cung cấp nhiều giải pháp thiết thực mà còn mở ra các cơ hội hợp tác giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Đây là bước đầu quan trọng để đưa các tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tế, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm từ cá nước ngọt, góp phần cải thiện kinh tế và đời sống người dân".
Ông cũng nhấn mạnh Viện Công nghệ HaUI cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng địa phương trong việc chuyển giao công nghệ và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực. Hội thảo không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ chế biến thủy sản tại địa phương mà còn mở ra cơ hội hợp tác, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân vùng hồ thủy điện Hòa Bình. Hội thảo kết thúc thành công vào cuối buổi sáng cùng ngày, mở ra nhiều triển vọng tích cực cho ngành chế biến thủy sản tại Hòa Bình.
Thứ Tư, 10:00 15/01/2025
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.