Việt Nam nằm ở tâm dông châu Á, một trong ba tâm dông trên thế giới có hoạt động dông sét mạnh. Hàng năm, mật độ sét đánh ở Việt Nam có thể có tới 2 triệu cú sét đánh xuống đất. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong vòng 3 năm gần đây mỗi năm đã có trên 50 người chết do sét đánh gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và đời sống người dân và các hoạt động kinh tế và xã hội…
Phát hiện và định vị chính xác địa điểm vừa có sét có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác thống kê lập bản đồ sét và dự báo thiên tai. Thêm vào đó, các thông tin, dữ liệu về sét thu thập được rất hữu ích cho các nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực này.
Chiều ngày 06/7/2018 tại phòng họp tầng 10 nhà A1, Viện Công nghệ HaUI tổ chức buổi tọa đàm “Giới thiệu về công nghệ phát hiện sét và hệ thống định vị sét toàn cầu phục vụ phòng chống thiên tai” với sự tham gia của GS Narita- trường Đại học Bách Khoa Shounan (Nhật Bản), ông Nomura - Giám đốc Công ty Nomura Engineering, ông Ishihara – Giám đốc công ty Nishin Denki Việt Nam, các giảng viên khoa Điện tử, Điện và Viện CN HaUI.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, GS Narita cùng với đã giới thiệu về Dự án Blitzortung và những nghiên cứu của mình trong lĩnh vực phát hiện và định vị sét. Đây là một dự án phi lợi nhuận của Blitzortung.org (Đức) thành lập với mục đích cung cấp và lắp đặt các trạm phát hiện và định vị sét miễn phí trên toàn thế giới, phục vụ cho việc dự báo thiên tai. Các cá nhân và tổ chức tham gia trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện. Mục tiêu của dự án là xây dựng một mạng lưới toàn cầu với chi phí thấp và có độ chính xác cao để định vị sét bằng cách phát hiện thời gian tới của sét thông qua các hệ thống cảm biến đo sóng từ trường và sóng điện trường dựa vào một mạng kết nối rất nhiều các trạm thu đặt cách nhau từ 50-250km, mỗi trạm là một thiết bị nặng 2kg và có thiết diện 20x20x10. Các trạm thu này sẽ truyền dữ liệu nó thu được về máy chủ tính toán tại trung tâm để xác định vị trí sét thông qua việc so sánh thời gian tới của các tia sét từ các cảm biến khác nhau. Do đó, nếu số lượng các trạm thu lắp đặt càng nhiều thì thông tin xác định vị trí sét trên toàn cầu càng chính xác. Hiện nay, dự án Blitzor đã triển khai được khoảng 1130 trạm tại Châu Âu, 158 trạm tại Châu Mỹ, 41 trạm tại châu Đại Dương, 30 trạm tại Châu Á và 5 trạm tại Châu Phi (số liệu tới 25/12/2017). Dữ liệu về xác định vị trí sét của dự án này là bộ dữ liệu cần thiết và quan trọng cho việc ngăn chặn thảm họa thiên tai, phục vụ nông nghiệp, chống sét cho các đường dây truyền tải điện và phục vụ cho việc nghiên cứu về chống sét. GS Narita cũng bày tỏ quan điểm rất muốn được hợp tác với Đại học Công nghiệp Hà Nội để triển khai dự án và thực hiện các nghiên cứu sâu về sét.
Hình ảnh trạm định vị sét và thiết bị phát hiện sét
Tại buổi làm việc, GS và đại diện công ty Nomura Engineering cũng giới thiệu về thiết bị phát hiện và định vị sét sử dụng trong dự án. Thiết bị này sẽ được cung cấp và lắp đặt miễn phí cho các đối tác tham gia trong dự án. GS đề nghị được lắp đặt một trạm phát hiện sét tại Trường cùng với hai trạm đã được lắp đặt tại Đại học Bách Khoa TPHCM và Đại học Bách khoa Đà nẵng để thiết lập bước đầu một mạng lưới xác định sét tại Việt Nam, tham gia vào chuỗi các hệ thống phát hiện sét toàn cầu của dự án.
GS Narita giới thiệu về thiết bị phát hiện và định vị sét
Hai bên đã có những trao đổi về chuyên môn, kỹ thuật, thiết bị và các công nghệ sử dụng cho việc định vị sét cũng như tiềm năng và quyền được khai thác các dữ liệu từ việc tham gia vào dự án. Viện công nghệ HaUI, Khoa Điện tử và GS. Narita – đại điện của dự án Blitzortung tại Châu Á đã thống nhất sẽ hợp tác trong tương lai trong lĩnh vực này. Trước mắt, hai bên tiếp tục trao đổi các thông tin và kết quả nghiên cứu, tìm hiểu kỹ hơn về thiết bị và lắp đặt trạm phát hiện sét, tiến tới các bước tiếp theo có thể triển khai sớm nhất một trạm tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho mạng lưới định vị sét toàn cầu của Blitzortung và xây dựng ý tưởng cho một dự án nghiên cứu chung trong lĩnh vực này.
Thứ Hai, 13:56 30/07/2018
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.